CHƯƠNG TRÌNH AUSTRALIA HỖ TRỢ CẢI CÁCH KINH TẾ VIỆT NAM (Aus4Reform)

8/4/2021

85,7% số doanh nghiệp trên phạm vi cả nước bị tác động của dịch Covid-19

Đây là số liệu được đưa ra tại Hội thảo công bố và lấy ý kiến đối với “Báo cáo nghiên cứu đánh giá tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với một số ngành công nghiệp chính của Việt Nam, đề xuất khuyến nghị chính sách và giải pháp cho phục hồi và phát triển thời kỳ hậu Covid-19” do Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Cục CT&BVNTD), Bộ Công Thương tổ chức trong khuôn khổ Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform) vào ngày 8/4/2021 tại thành phố Hồ Chí Minh.

85,7% số doanh nghiệp trên phạm vi cả nước bị tác động của dịch Covid-19

Đây là số liệu được đưa ra tại Hội thảo công bố và lấy ý kiến đối với “Báo cáo nghiên cứu đánh giá tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với một số ngành công nghiệp chính của Việt Nam, đề xuất khuyến nghị chính sách và giải pháp cho phục hồi và phát triển thời kỳ hậu Covid-19” do Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Cục CT&BVNTD), Bộ Công Thương tổ chức trong khuôn khổ Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform) vào ngày 8/4/2021 tại thành phố Hồ Chí Minh.

 

Toàn cảnh Hội thảo
Toàn cảnh Hội thảo

Năm 2020 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, xu hướng bảo hộ, và đặc biệt là dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia trên thế giới và trong đó có Việt Nam, làm đứt gãy các chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu, sản xuất kinh doanh bị đình trệ.

Mặc dù, Việt Nam là một trong số ít quốc gia thực hiện được nhiệm vụ kép: vừa kiểm soát dịch bệnh, đồng thời vẫn duy trì sự phát triển kinh tế. Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn có những ảnh hưởng nhất định đến nền kinh tế, đặc biệt là đối với hoạt động kinh doanh và cộng đồng doanh nghiệp ở Việt Nam.

Theo điều tra của Tổng cục Thống kê (tại thời điểm 10/4/2020-20/4/2020), có tới 85,7% số doanh nghiệp trên phạm vi cả nước bị tác động của dịch Covid-19. Theo quy mô, các doanh nghiệp có quy mô càng lớn, tỷ lệ doanh nghiệp chịu tác động từ dịch Covid-19 càng cao.

Bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Công Thương cho biết, nhóm doanh nghiệp lớn (hiện chiếm 2,8% tổng số doanh nghiệp) là nhóm có tỷ lệ doanh nghiệp chịu tác động nhiều nhất với 92,8%; tỷ lệ này của nhóm doanh nghiệp vừa là 91,1%, nhóm doanh nghiệp nhỏ là 89,7%; và nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ (hiện chiếm 62,6% toàn bộ doanh nghiệp) là 82,1%.

Bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Công Thương phát biểu tại Hội thảo
Bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Công Thương phát biểu tại Hội thảo

Dịch Covid-19 kéo theo hàng loạt những vấn đề mà doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt như: Thiếu hụt nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh, thị trường cung - cầu trong nước bị thu hẹp, hoạt động xuất, nhập khẩu bị đình trệ…

Thị trường tiêu thụ bị thu hẹp đang là vấn đề quan tâm hàng đầu của đại bộ phận doanh nghiệp hiện nay. Có tới 57,7% số doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 cho rằng, thị trường tiêu thụ bị giảm mạnh. Đáng chú ý, trong các doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu, có tới 47,2% doanh nghiệp khẳng định hàng hóa sản xuất ra không xuất khẩu được.

Theo bà Nguyễn thị Tuyết Mai - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may (VITAS), riêng năm 2020, do tác động tiêu cực của Covid-19, kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 35 tỷ USD, giảm 6,7 tỷ USD so với nhập khẩu (âm 16%) và giảm 3,6 tỷ USD so với 2019 (âm 9,3%). Kim ngạch xuất khẩu năm 2020 của tất cả các mặt hàng đều giảm (mức giảm này thấp hơn nhiều các quốc gia khác, đặc biệt trong bối cảnh tổng cầu dệt may thế giới giảm 25%.)

Thị trường cung cấp nguyên liệu đầu vào bị thiếu hụt là tình trạng chung của toàn bộ khu vực doanh nghiệp hiện nay. Đặc biệt, tỷ lệ doanh nghiệp ngành may mặc thiếu hụt lên tới 70,3% và 71,0% đối với ngành da giày. Ngành sản xuất các sản phẩm điện tử và sản xuất ô tô có tỷ lệ thiếu hụt nguyên vật liệu nhập khẩu lần lượt là 62,1% và 58,1%.

Bên cạnh đó là tình trạng thiếu hụt nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh, chi trả công lao động cũng  được đánh giá là gánh nặng lớn nhất đối với doanh nghiệp.

Một số kiến nghị đã được nêu tại Báo cáo. Theo đó, cần nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế; đa dạng thị trường xuất nhập khẩu hàng hóa và nguyên liệu đầu vào, hạn chế phụ thuộc quá lớn vào một thị trường. Nắm bắt và khai thác có hiệu quả cơ hội từ sự dịch chuyển cung cầu thế giới ở các lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh. Tổng kết và rà soát các gói hỗ trợ, nhất là gói chính sách tiền tệ - tín dụng, gói hỗ trợ về tài khóa, gói hỗ trợ về an sinh xã hội… để đánh giá những kết quả, hạn chế, rút ra bài học kinh nghiệm, từ đó có những kiến nghị cho việc tiếp tục đề xuất những chính sách, gói hỗ trợ mới phục vụ khôi phục phát triển kinh tế sau Đại dịch. Dành ưu tiên cao cho việc phát triển các lĩnh vực cách mạng công nghiệp 4.0, xây dựng các chiến lược phát triển đối với các lĩnh vực này, để đi trước đón đầu xu hướng công nghệ số, tự động hóa.