CHƯƠNG TRÌNH AUSTRALIA HỖ TRỢ CẢI CÁCH KINH TẾ VIỆT NAM (Aus4Reform)

18/3/2021

Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hồi phục sau Covid-19 còn nhiều dư địa để cải thiện tính hiệu quả

Lãnh đạo VCCI đánh giá trong ‘thời đại’ Covid-19, Chính phủ, các Bộ ngành và chính quyền địa phương đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua tác động của đại dịch, tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận và tận dụng hiệu quả các chính sách.

Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hồi phục sau Covid-19 còn nhiều dư địa để cải thiện tính hiệu quả

Lãnh đạo VCCI đánh giá trong ‘thời đại’ Covid-19, Chính phủ, các Bộ ngành và chính quyền địa phương đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua tác động của đại dịch, tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận và tận dụng hiệu quả các chính sách.

Sáng nay, ngày 18/3/2021, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform) phối hợp cùng Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức buổi Đối thoại Tháo gỡ khó khăn về chính sách để doanh nghiệp vượt qua Covid-19 tại Vĩnh Phúc.

Tại buổi Đối thoại, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, VCCI, cho hay “2020 là một năm đáng quên đối với nhiều doanh nghiệp”. Tỷ lệ các doanh nghiệp phá sản trên thế giới tăng trên 35%, trung bình cứ 3 doanh nghiệp thì có 1 doanh nghiệp mất khả năng thanh toán. Kéo theo đó là làn sóng mất việc làm của người lao động. Covid-19 đã khiến cho mức tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2020 ở mức thấp nhất, chưa bằng một nửa so với những năm trước đây.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, VCCI phát biểu
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, VCCI phát biểu

Trong bối cảnh đó, nhiều chính sách đã được ban hành, với các gói hỗ trợ lớn bao gồm: Chính sách tiền tệ, trọng tâm là cơ cấu lại nợ, miễn, giảm lãi suất, hỗ trợ tín dụng với quy mô 250 nghìn tỷ đồng, chính sách hỗ trợ bảo đảm an sinh xã hội 62 nghìn tỷ đồng; chính sách tài khóa, trọng tâm là gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất với quy mô 180 nghìn tỷ đồng và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trả lương cho người lao động 16 nghìn tỷ đồng.

Chính phủ cũng đẩy mạnh các chương trình giải ngân vốn đầu tư công, tạo cú hích cho sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp. Đặc biệt, Chính phủ cũng đã trình Quốc hội thông qua nghị quyết cắt giảm 30% thuế TNDN cho các doanh nghiệp chủ yếu thuộc quy mô vừa và nhỏ, có doanh số dưới 200 tỷ đồng/năm để thực hiện giảm trong năm 2020. Có thể nói đây là hệ thống các gói giải pháp, chính sách khá đồng bộ, chưa từng có ở Việt Nam.

Toàn cảnh cuộc đối thoại
Toàn cảnh cuộc đối thoại

Khi đánh giá về các gói chính sách hỗ trợ nói trên, đa số các doanh nghiệp đều nói là hữu ích, nhưng các chính sách vẫn còn nhiều dư địa để cải thiện tính hiệu quả. Đơn cử như chính sách vay tín dụng lãi suất 0% để trả lương cho lao động rất khó tiếp cận, tính từ khi được ban hành cho đến này, hầu như vẫn chưa có doanh nghiệp nào được thụ hưởng. Tất cả đều xoay quanh chuyện chưa có văn bản chính thức hay đang chờ phê duyệt. Khả năng triển khai chính sách này không dễ dàng như dự định.

Về mức độ thuận lợi trong tiếp cận chính sách hỗ trợ, đại diện của UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng đánh giá việc vay lãi suất 0% là rất khó, tiếp đến là thời gian giãn các khoản vay, và giảm lãi cho các doanh nghiệp là các nhóm chính sách không dễ để thực hiện. Nhìn chung, các chính sách đánh đúng nhu cầu của doanh nghiệp nhưng việc tiếp cận vẫn còn là khoảng cách từ chính sách xuống đến thực tiễn.

Vì vậy, trong năm 2021, Chính phủ và các bộ ban ngành khi ban hành chính sách cần tính toán đến mức độ thụ hưởng trên thực tế, suy cho cùng doanh nghiệp cần những thứ “rất trực tiếp, rất cụ thể và rất là hữu ích”, còn những chính sách nghe có vẻ tốt đẹp mà không triển khai được thì cũng không có nhiều ý nghĩa trên thực tiễn.