CHƯƠNG TRÌNH AUSTRALIA HỖ TRỢ CẢI CÁCH KINH TẾ VIỆT NAM (Aus4Reform)

27/11/2019

Các rào cản thể chế ảnh hưởng tới sự phát triển của thị trường đất nông nghiệp Việt Nam

Đất sản xuất nông nghiệp còn rất manh mún, việc tập trung, tích tụ ruộng đất của Việt Nam khá chậm và việc chuyển quyền sử dụng đất, cho thuê quyền sử dụng đất gặp nhiều khó khăn.

Các rào cản thể chế ảnh hưởng tới sự phát triển của thị trường đất nông nghiệp Việt Nam

Đất sản xuất nông nghiệp còn rất manh mún, việc tập trung, tích tụ ruộng đất của Việt Nam khá chậm và việc chuyển quyền sử dụng đất, cho thuê quyền sử dụng đất gặp nhiều khó khăn.

Đây là ý kiến của bà Trần Thị Thanh Nhàn, Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông thôn đưa ra tại Hội thảo Góp ý sửa đổi hai Nghị định về đất đai được Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông thôn (IPSARD) tổ chức dưới sự hỗ trợ của Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform) vào sáng nay, ngày 27/11/2019 tại Hà Nội.

Toàn cảnh hội thảo
Toàn cảnh hội thảo

Qua nghiên cứu, khảo sát tại Hà Nam, Hòa Bình, Lâm Đồng và An Giang, là những nơi đại diện cho các vùng sản xuất, cho thấy thực trạng ruộng đất ngông nghiệp Việt Nam manh mún, đất đai phân tán, diện tích đất nông nghiệp bình quân trên đầu người thấp (khoảng 0,07 ha/người), chỉ bằng 1/4 so với Thái Lan (khoảng 0,27ha/người).

Đây là nguyên nhân dẫn đến việc sản xuất quy mô tại Việt Nam còn nhiều hạn chế và chi phí đầu tư sản xuất tăng cao, việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc.

Trong bối cảnh trên, một số Nghị định về đất đai đang được rà soát, sửa đổi, bổ sung nhằm thúc đẩy thị trường, quá trình tích tụ, tập trung đất đai để nó trở thành nguồn lực tạo thuận lợi cho phát triển nông nghiệp nông thôn.

Theo bà Nhàn, việc chuyển quyền sử dụng đất, cho thuê quyền sử dụng đất ở Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Phổ biến nhất là hình thức chuyển quyền sử dụng đất giữa người dân với người dân bởi hộ dân mua đất để chờ cơ hội đầu tư, chuyển đổi mục đích sử dụng và thậm chí là chờ đền bù, điều này đã gây ra sự lãng phí rất lớn.

Việc chuyển quyền giữa nông dân và doanh nghiệp cũng diễn ra, nhưng còn tồn tại nhiều rào cản như khung giá đất không phù hợp với giá thị trường, thiếu cơ sở dữ liệu, hồ sơ đất, điển hình nhất là việc xin ý kiến nhiều ban ngành cho dự án đầu tư, thủ tục rườm rà, tốn nhiều thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.

Với thị trường cho thuê quyền sử dụng đất, cụ thể là doanh nghiệp thuê đất khó đạt đồng thuận của số lượng lớn hộ dân, chỉ cần vài hộ không đồng ý dự án cũng bị dừng lại. Do đó, Nhà nước cần có cơ chế đồng thuận khoảng 80% hộ dân và được UBND tỉnh phê duyệt dự án thì buộc hộ thỏa thuận, có chính sách tạo việc làm, chuyển đổi cho nông dân.

Trong Nghị định về tích tụ, tập trung đất đai, theo bà Nguyễn Thị Kim Anh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, với một số doanh nghiệp thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp để sản xuất công nghệ cao, không tránh được tình trạng biến dạng đất, hay thậm chí là bê tông hóa, để xây dựng nhà kho, nhà xưởng, Vụ có đề xuất là các doanh nghiệp nên có một quỹ để sau khi hết quyền sử dụng đất, thì huyện, xã, hay trung tâm quỹ đất sẽ dùng số tiền đó để phục hồi đất nông nghiệp, trả lại đất như hiện trạng ban đầu cho người dân. Với diện tích đất đã chuyển sang phi nông nghiệp cần giao cho chính quyền địa phương để sử dụng với các mục đích khác.

 

Là một địa phương đã thực hiện thí điểm tích tụ, tập trung đất đai ngay từ khi thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, bà Khổng Thị Thịnh, Phó Trưởng phòng Kế hoạch – Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Bình cho biết, do hiện chưa có quy định cụ thể về việc thực hiện tích tụ đất đai để sản xuất nông nên hầu hết làm theo ý kiến chủ quan của mỗi địa phương.

Hầu hết các mô hình tích tụ chưa đảm bảo thủ tục về đất đai, các bên chỉ thực hiện theo thỏa thuận giữa người thuê, mua hoặc mượn với những người có ruộng đất và chủ yếu là người địa phương thuê đất của nhân dân địa phương. Đối với doanh nghiệp hoặc cá nhân từ nơi khác đến thuê, mua thực hiện thông qua hợp tác xã và UBND xã.

Hay đối với diện tích đất 5% công ích do UBND xã quản lý, UBND xã chỉ được phép cho gia đình cá nhân thuê theo hình thức đấu giá, thời gian cho thuê tối đa 5 năm. Thời gian này chưa đủ dài để đầu tư sản xuất theo hình thức tích tụ, tập trung và doanh nghiệp không được thuê diện tích đất này.

Đất nông nghiệp ở mỗi vùng lại mang những điều kiện và đặc trưng khác nhau, để có được những Nghị định hay bộ luật chung nhất đem lại lợi ích cho tất cả để phát triển của kinh tế nông nghiệp nông thôn đòi hỏi các Bộ, Ban ngành phải nghiên cứu và xem xét kỹ lưỡng từ thực tiễn tổ chức thi hành pháp luật tiếp tục góp ý để hoàn thiện trình Chính phủ ban hành sớm nhất.