CHƯƠNG TRÌNH AUSTRALIA HỖ TRỢ CẢI CÁCH KINH TẾ VIỆT NAM (Aus4Reform)

20/1/2021

Cơ hội và thách thức của Việt Nam từ Hiệp định RCEP

Sáng 20-1, tại Hà Nội, Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Hội thảo “Thực hiện hiệu quả Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực gắn với cải thiện tính tự chủ của nền kinh tế: Yêu cầu hoàn thiện thể chế thương mại và đầu tư ở Việt Nam”.

Cơ hội và thách thức của Việt Nam từ Hiệp định RCEP

Sáng 20-1, tại Hà Nội, Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Hội thảo “Thực hiện hiệu quả Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực gắn với cải thiện tính tự chủ của nền kinh tế: Yêu cầu hoàn thiện thể chế thương mại và đầu tư ở Việt Nam”.

Phát biểu tại Hội thảo Tiến sĩ Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng CIEM nhấn mạnh: “Dù phải đối mặt với không ít khó khăn và hệ lụy tiêu cực về kinh tế do đại dịch COVID-19 trong năm 2020, Việt Nam vẫn có những nỗ lực khá sôi động và toàn diện để chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Nổi bật trong số đó là việc chủ trì thành công năm ASEAN 2020, phê chuẩn và thực hiện Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), và ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)”.

 

Khác với các hiệp định thương mại chất lượng cao như EVFTA hay Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Việt Nam tham gia RCEP với cách tiếp cận “tiệm tiến” hơn.

Đặt trong bối cảnh tranh luận về tác động của hội nhập kinh tế quốc tế - đặc biệt là thương mại, đầu tư nước ngoài... đã trở nên “đa chiều” hơn, nhìn nhận về RCEP có đan xen cả những khía cạnh tích cực và tiêu cực.

Bao phủ vùng lãnh thổ với 30% dân số toàn cầu, hiệp định RCEP tạo ra một thị trường lớn và tiềm năng cho xuất khẩu. Đây là khu vực có nền kinh tế phát triển mạnh mẽ, mức sống cao nên nhu cầu tiêu dùng cũng rất lớn. Một số quốc gia yêu cầu không quá cao về chất lượng sản phẩm – điều đang gặp phải trong CPTPP, EVFTA, v.v. - và do đó phù hợp với trình độ của phần lớn doanh nghiệp trong nước.

Ngay cả với nhập khẩu, Việt Nam cũng có thể được hưởng lợi từ việc gia tăng chất lượng hàng nhập khẩu cho tiêu dùng. tỷ trọng của hàng có hàm lượng công nghệ cao trong nhập khẩu từ một số thị trường RCEP của Việt Nam có xu hướng tăng. Nếu thiếu định hướng về chất lượng hàng hóa, chi phí nhập khẩu có thể giảm giá do thuế nhập khẩu giảm. Nếu Việt Nam thực thi nghiêm ngặt các quy định theo hướng nâng chuẩn chất lượng hàng hóa, chi phí nhập khẩu có thể không giảm, song chất lượng hàng nhập khẩu từ RCEP có thể gia tăng, qua đó đáp ứng tốt hơn nhu cầu sản xuất và/hoặc tiêu
dùng ở trong nước.

Cùng với việc gia tăng thương mại hàng trung gia, doanh nghiệp Việt Nam cũng có cơ hội tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi giá trị và sản xuất khu vực. Thông qua các hoạt động hợp tác kỹ thuật và xuất nhập khẩu hàng trung gian, doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tiếp cận và nhận chuyển giao khoa học, công nghệ; nâng cao năng lực sản xuất và quản lý; và theo đó, được tham gia vào các công đoạn sản xuất quan trọng hơn, đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao hơn. Quá trình này giúp doanh nghiệp không ngừng cải thiện và nâng cao trình độ, năng lực cạnh tranh và tăng cường vị thế trong chuỗi sản xuất toàn cầu.

Đối với đầu tư nước ngoài, Việt Nam có cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài từ dịch chuyển đầu tư ra khỏi Trung Quốc do tác động của chiến tranh thương mại, công nghệ Mỹ - Trung QUốc cũng như xu hướng cân nhắc mới trong và sau đại dịch Covid-19.

Dù có những cơ hội khá lớn nhưng cũng tồn tại những thách thức nhất định khi Việt Nam tham gia vào RCEP bởi: nhìn nhận và xử lý hiệu quả nhập siêu gắn với đầu tư nước ngoài ở thị trường RCEP là một thách thức lớn, thậm chí trở nên phức tạp hơn; sàng lọc chất lượng của dự án FDI là chủ trương đúng, nhưng thực hiện không dễ sau khi RCEP đi vào thực thi, kiểm soát dòng vốn đầu tư nước ngoài từ RCEP và hệ lụy đối với kinh tế vĩ mô vẫn là một vấn đề phức tạp; và khó khăn trong cân đối giữa thu hút, bảo vệ nhà đầu tư và quyền xây dựng chính sách của Việt Nam.

Những thách thức này ít nhiều đều ảnh hưởng đến mức độ tự chủ của nền kinh tế Việt Nam, song vẫn có thể xử lý được. Dù vậy, xử lý thách thức về thể chế phụ thuộc vào mức độ toàn diện trong cách tiếp cận của Việt Nam, và khó có thể hiệu quả nếu nhìn nhận vấn đề thương mại và đầu tư nước ngoài một cách rời rạc khi thực hiện RCEP.

Cuối cùng, tại Hội thảo, các chuyên gia cũng nhấn mạnh thông điệp Việt Nam cần tiếp tục ủng hộ chủ nghĩa đa phương. RCEP không phải là FTA duy nhất hay là FTA cuối cùng mà Việt Nam có với các đối tác. Vì vậy, việc thực hiện RCEP cần đặt trong một cân nhắc tổng thể và toàn diện về việc tham gia và đóng góp vào chủ nghĩa đa phương trong bối cảnh mới.