CHƯƠNG TRÌNH AUSTRALIA HỖ TRỢ CẢI CÁCH KINH TẾ VIỆT NAM (Aus4Reform)

30/10/2019

Khu vực Kinh tế tư nhân là động lực tăng trưởng trong nên kinh tế

“Khu vực kinh tế Nhà nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài không còn là động lực tăng trưởng và thay vào đó là khu vực kinh tế tư nhân”.

Khu vực Kinh tế tư nhân là động lực tăng trưởng trong nên kinh tế

“Khu vực kinh tế Nhà nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài không còn là động lực tăng trưởng và thay vào đó là khu vực kinh tế tư nhân”.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương (CIEM), Giám đốc Chương trình Aus4Reform đưa ra nhận định trên tại Hội thảo "Động lực cho kinh tế Việt Nam: Góc nhìn và triển vọng",  do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cùng Chương trình “Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam” phối hợp tổ chức vào sáng ngày 30/10 tại Hà Nội.

Toàn cảnh hội thảo
Toàn cảnh hội thảo

Tại Hội thảo, các chuyên gia tập trung vào diễn biến kinh tế vĩ mô trong 9 tháng đầu năm 2019 và những động lực cho kinh tế Việt Nam trong thời gian tới. Từ những phân tích đánh giá đó, các chuyên gia đưa ra những giải pháp để duy trì tốc độ tăng trưởng trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn chưa giảm bất định.

Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đánh giá thì tăng trưởng kinh tế Quý III và 9 tháng đầu năm 2019 vẫn được duy trì ở mức tương đối cao với ước tính tăng trưởng GDP đạt 6,98%.

Xuất khẩu là một trong những động lực quan trọng tạo nên mức tăng trưởng này. Tuy nhiên, ông Cung chỉ ra: tăng trưởng nhờ xuất khẩu khá bấp bênh, không chắc chắn và rủi ro không nhỏ.

Cụ thể, xuất khẩu tăng 7,6% nhưng phụ thuộc rất lớn vào Mỹ (xuất khẩu vào Mỹ tăng 26,6%). Cùng thời gian, mức xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc chỉ tăng nhẹ, lần lượt là 7,5% và 9%, trong khi giảm ở các trường: EU (giảm 1,9%), Trung Quốc (giảm 2,9%).

Theo ông Cung, đầu tư nhà nước và đầu tư FDI cũng không còn là động lực cho tăng trưởng nữa. Nguyên do là giải ngân vốn đầu tư công chỉ bằng 69,2% kế hoạch và chỉ tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước, còn đầu tư FDI đang cho thấy đà suy giảm.Sự suy giảm đáng ngại của đầu tư FDI thể hiện ở chỗ: số dự án tăng 26% nhưng số vốn đăng ký mới giảm 14,6%.

 Điều này đồng nghĩa với việc khu vực tư nhân đang vươn lên làm động lực tăng trưởng. Theo Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư toàn xã hội 9 tháng của năm đạt mức tăng 10,3% so với cùng kỳ của năm 2018. Điểm nổi bật, khu vực kinh tế ngoài Nhà nước chiếm tỷ trọng lớn nhất và đạt 45,3% trong tổng vốn đầu tư đồng thời cũng có tốc độ tăng vốn cao nhất là 16,9%.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Anh Dương -Trưởng Ban Nghiên cứu Tổng hợp của CIEM, cho rằng khu vực kinh tế ngoài Nhà nước đang trở nên có sức sống hơn trong nền kinh tế với tỷ trọng vốn đầu tư tăng nhanh nhất đồng thời tạo động lực cho đầu tư toàn xã hội.

Ong Nguyễn Anh Dương -Trưởng Ban Nghiên cứu Tổng hợp của CIEM phát biểu tại Hội thảo
Ông Nguyễn Anh Dương -Trưởng Ban Nghiên cứu Tổng hợp của CIEM phát biểu tại Hội thảo

Tâm lý hứng khởi kinh doanh được thể hiện qua số lượng doanh nghiệp mới thành lập, cụ thể qua 10 tháng của năm, số đơn vị đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động lên tới 149.000 doanh nghiệp, tăng đến 8,6% so với cùng kỳ của năm 2018.

“Trong bối cảnh mới đầy thách thức, khu vực doanh nghiệp nội địa trở nên có sức sống hơn với sự sáng tạo, linh hoạt để thích nghi và tăng trưởng,” ông Dương nhìn nhận.

Tuy nhiên, báo cáo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng chỉ ra một số khó khăn và thách thức đối với nền kinh tế nước ta trong thời gian tới, trong đó có "sự trở lại" của công nghiệp khai khoáng. Sau 3 năm tăng trưởng âm, ngành khai khoáng đã tăng trưởng dương trở lại trong 9 tháng năm nay, góp phần nhất định vào tăng trưởng GDP 3 Quý qua. Đồng thời, chất lượng tăng trưởng cũng được đánh giá là chưa tương xứng với tiềm năng và các nguồn lực phát triển hiện có.

Ông Nguyễn Đình Cung, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, cảnh báo: "Đầu tư FDI số dự án tăng 26% nhưng số đăng ký vốn giảm 14,5%, như vậy ở đây giảm quy mô dự án và do đó chúng ta có quyền nghi ngờ chất lượng dự án và cách thức đầu tư nước ngoài ở Việt Nam và tôi có trao đổi với một số hiệp hội thì người ta nhận định có xu hướng phân nhỏ dự án tránh rủi ro và với quy mô nhỏ như thế này và giảm dần đi thì liệu có nghiên cứu và phát triển ở đây? Có chuyển giao công nghệ ở đây? Vốn là những điều chúng ta đang rất cần".

Về dự báo kinh tế vĩ mô, CIEM nhận định tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020 sẽ giảm hơn so với năm 2019. Cụ thể, tăng trưởng GDP trong cả năm 2019 của Việt Nam vào khoảng 7,02%, sang năm 2020 sẽ giảm còn 6,72%; lạm phát bình quân năm 2019 là 2,78%, năm 2020 tăng lên 3,17% - vẫn dưới mục tiêu 4% mà Quốc hội đề ra; tăng trưởng xuất khẩu năm 2019 là 8,13%, năm 2020 là 7,64%...