CHƯƠNG TRÌNH AUSTRALIA HỖ TRỢ CẢI CÁCH KINH TẾ VIỆT NAM (Aus4Reform)

15/9/2022

Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) là cần thiết, nhưng vẫn cần rà soát để bảo đảm tính khả thi

Ngày 15/9, trong khuôn khổ Chương trình Australia Hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform), Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức Hội nghị tham vấn “Lấy ý kiến về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền sửa đổi”.

Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) là cần thiết, nhưng vẫn cần rà soát để bảo đảm tính khả thi

Ngày 15/9, trong khuôn khổ Chương trình Australia Hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform), Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức Hội nghị tham vấn “Lấy ý kiến về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền sửa đổi”.

Luật Phòng, chống rửa tiền (PCRT) hiện hành được Quốc hội thông qua ngày 18/6/2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013, đây là văn bản pháp lý toàn diện quy định về phòng, chống rửa tiền theo định hướng phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế về PCRT. Qua gần 10 năm thi hành Luật PCRT, công tác PCRT ở Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu như: hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách đã dần được hoàn thiện; Ban chỉ đạo quốc gia về PCRT được thành lập; các bộ, ngành có liên quan đều có bộ phận được chỉ định làm đầu mối thực hiện công tác PCRT; các quy trình, chính sách, quy định nội bộ về PCRT nhằm phòng ngừa tội phạm rửa tiền,… Đặc biệt Luật PCRT đã tạo cơ sở pháp lý cho việc đàm phán, ký kết và thực hiện các thỏa thuận quốc tế góp phân ngăn chặn kịp thời tội phạm rửa tiền xuyên quốc gia. 

Tuy nhiên, quá trình thi hành Luật PCRT cũng tồn tại một số bất cập, hạn chế nhất là một số quy định hiện nay không còn phù hợp với 40 khuyến nghị hiện hành của Lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế về PCRT (FATF). Tháng 03/2022, Hội nghị toàn thể của FATF đã thông qua báo cáo đánh giá đa phương vè công tác PCRT của Việt Nam, trong đó đã đánh giá Việt Nam còn thiếu hụt, không đáp ứng hoặc chỉ đáp ứng một phần về khuôn khổ pháp lý; hiệu quả thực thi các quy định về PCRT cũng bị đánh giá mới đạt được ở mức trung bình hoặc thấp. Với kết quả đánh giá đa phương này Việt Nam đã bị đưa vào quy trình rà soát tăng cường và chỉ có 12 tháng (kể từ tháng 03/2022) để khắc phục các thiếu hụt đã được nêu ra tại Báo cáo.

Quang cảnh Hội thảo
Quang cảnh Hội thảo

Báo cáo tại Hội thảo, Ông Phạm Huyền Anh, Phó chánh thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước nêu rõ, việc sửa đổi Luật PCRT thể hiện nỗ lực của Việt Nam nhằm khắc phục một số thiếu hụt về cơ sở pháp lý so với các khuyến nghị của FATF.

Dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) gồm 4 chương với 65 điều quy định về các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi rửa tiền; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống rửa tiền; hợp tác quốc tế trong phòng, chống rửa tiền. Việc phòng, chống rửa tiền nhằm tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt được thực hiện theo quy định của Luật này, quy định của pháp luật hình sự và pháp luật về phòng, chống khủng bố, phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Dự thảo Luật kế thừa quy định về đối tượng báo cáo PCRT tại Luật PCRT, bao gồm tổ chức tài chính và tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan. Bên cạnh đó, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số nội dung về đối tượng báo cáo, cụ thể: Sửa đổi, bổ sung tên gọi của một số hoạt động của đối tượng báo cáo, phù hợp với nội hàm khái niệm của FATF và phù hợp với quy định pháp luật hiện hành, không thu hẹp đối tượng báo cáo so với quy định tại Luật PCRT năm 2012; bổ sung đối tượng báo cáo là các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán;…

Tại Hội thảo, các đại biểu thảo luận về một số chính sách mới trong dự án Luật Phòng, chống rửa tiền: về thu thập, xử lý và chuyển giao thông tin về phòng, chống rửa tiền; về phạm vi điều chỉnh, chính sách của Nhà nước và các hành vi bị cấm trong dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi); về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong phòng, chống rửa tiền;…

Bên cạnh đó, các đại biểu còn đưa ra đề xuất quản lý rủi ro trong hoạt động phòng, chống rửa tiền tại Việt Nam; phân tích sự phù hợp của dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) với các khuyến nghị của FATF và pháp luật liên quan;…

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đình Việt nêu ý kiến.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đình Việt nêu ý kiến.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đình Việt, báo cáo giao dịch đáng ngờ là một trong những nội dung quan trọng nhất của Dự thảo Luật PCRT, đây là một điều cần thiết đáp ứng khuyến ngị của FATF. Tuy nhiên, khối lượng báo cáo là tương đối lớn, trong khi quy định các dấu hiệu đáng ngờ phần lớn vẫn là những dấu hiệu định tính, chưa thật sự rõ ràng và rất khó để xác định dấu hiệu đáng ngờ. Do đó, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu lượng hóa các chỉ tiêu, tiếp tục rà soát, chỉnh sửa, bổ sung quy định để bảo đảm tính khả thi khi thực hiện.

Phát biểu kết luận, ông Việt ghi nhận và đánh giá cao ý kiến phát biểu tại Hội thảo. Nhấn mạnh, đây là dự án Luật chuyên ngành khó, phức tạp, liên quan đến nhiều đối tượng, thuộc trách nhiều Bộ, ngành liên quan, Phó Chủ nhiệm Nguyễn Đình Việt cho rằng, kết quả của Hội thảo là thông tin tham khảo quan trọng, có tính lý luận và thực tiễn cao trong quá trình cơ quan thẩm tra, cho ý kiến về dự án Luật.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng cho biết dự án Luật dự kiến sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 4 (diễn ra vào tháng 10/2022).