CHƯƠNG TRÌNH AUSTRALIA HỖ TRỢ CẢI CÁCH KINH TẾ VIỆT NAM (Aus4Reform)

17/12/2019

Môi trường kinh doanh Việt Nam đã có nhiều cải thiện

Đây là nhận định được đưa ra tại Hội thảo công bố Báo cáo tình hình triển khai các Nghị quyết 02 và 35 của Chính phủ từ góc nhìn của doanh nghiệp do VCCI tổ chức trong khuôn khổ chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform) sáng 17/12.

Môi trường kinh doanh Việt Nam đã có nhiều cải thiện

Đây là nhận định được đưa ra tại Hội thảo công bố Báo cáo tình hình triển khai các Nghị quyết 02 và 35 của Chính phủ từ góc nhìn của doanh nghiệp do VCCI tổ chức trong khuôn khổ chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform) sáng 17/12.

Báo cáo cho thấy, môi trường kinh doanh tại Việt Nam đã có nhiều cải thiện theo thời gian. Các chỉ số đánh giá của thế giới cũng như kết quả khảo sát ý kiến của doanh nghiệp Việt Nam và nhận định của nhiều chuyên gia đều cho thấy chung kết quả này.

Tuy nhiên, đang có sự cải cách không đồng đều trong các lĩnh vực. Một số lĩnh vực liên tục có sự chuyển biến tích cực cả về xây dựng chính sách lẫn thực thi, nhưng một số lĩnh vực khác lại không thay đổi hoặc thực hiện đối phó, hình thức.

Toàn cảnh hội thảo
Toàn cảnh hội thảo

Theo ông Đậu Anh Tuấn, trưởng ban pháp chế, VCCI, Giám đốc Dự án Tăng cường tiếng nói của doanh nghiệp trong tái cơ cấu kinh tế (thuộc Chương trình Aus4Reform), trong thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực quan trọng trong việc cải cách môi trường kinh doanh của Việt Nam. Đó không chỉ là những tuyên ngôn như “Chính phủ hành động, kiến tạo” hay “lấy doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ” mà đã biến thành hành động cụ thể trong các chính sách kinh tế thân thiện với doanh nghiệp được ban hành thực thi.

Cụ thể, trong 13 báo cáo Doing Business, từ 2008 đến 2020, Việt Nam có 33 cải cách được ghi nhận. Trong đó, hai năm có nhiều cải cách nhất là năm 2016 và 2018 với 5 cải cách.

Hai năm trở lại đây, số lượng cải cách được ghi nhận giảm xuống chỉ còn 3 cải cách năm của Doing Business 2019 và 2 cải cách trong Doing Business 2020. Lĩnh vực nộp thuế và tiếp cận tín dụng có nhiều biện pháp cải cách được ghi nhận nhất, 8 cải cách cho mỗi lĩnh vực.

Năm nay, Doing Business 2020 tiếp tục ghi nhận cải cách duy nhất của Việt Nam ở lĩnh vực nộp thuế và tiếp cận tín dụng. Riêng lĩnh vực đăng ký tài sản (đăng ký đất đai và tài sản gắn liền với đất) của Việt Nam không có cải cách nào trong 13 năm qua, theo Doing Business.

Trong khi đó, kết quả khảo sát của VCCI cho thấy, các lĩnh vực về đăng ký thành lập doanh nghiệp và tiếp cận điện năng vẫn tiếp tục được các doanh nghiệp đánh giá cao. Các lĩnh vực này vẫn liên tục có những cải thiện trong những năm trở lại đây và được các doanh nghiệp ghi nhận. Các lĩnh vực về phá sản doanh nghiệp, bảo vệ nhà đầu tư và thủ tục xuất nhập khẩu vẫn chưa có những cải thiện đáng kể theo đánh giá của các doanh nghiệp.

Mặt khác, khi so sánh tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá có cải thiện giữa các năm từ 2017 đến 2019 thì thấy kết quả được đánh giá cao hơn rõ rệt. Tất cả 11 lĩnh vực của Nghị quyết 19 đều có sự cải thiện trong con mắt các doanh nghiệp. Điểm trung bình đã tăng từ mức 51,7% của năm 2017 và 2018 lên mức 57,5% của năm 2019. Đây là kết quả chứng tỏ nhiều biện pháp cải cách của các ngành và lĩnh vực trong các năm trước đó đã được doanh nghiệp ghi nhận.

Với Nghị quyết 35, Chính phủ đã coi doanh nghiệp tư nhân là động lực phát triển của nền kinh tế. Đây thực sự là định hướng quan trọng; trong đó, khu vực tư nhân đóng góp 48% GDP vào năm 2020. Để khu vực tư nhân trong nước đạt mục tiêu này không phải là khó. Tuy nhiên, mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp và năng lực cạnh tranh trong top 4 ASEAN vào năm 2020 lại là mục tiêu khó khăn.

Cùng với đó, những ý kiến của doanh nghiệp đã được tiếp thu nhưng vẫn cần tiếp tục thúc đẩy để cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh.

Mấy năm gần đây, Quảng Ninh vươn lên như một ngôi sao sáng của khu vực phía Bắc và cả nước, luôn nằm trong nhóm các tỉnh, thành có tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) dẫn đầu cả nước. Theo ông Bùi Văn Khắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, tăng trưởng kinh tế của tỉnh Quảng Ninh tăng 2,14%, thu ngân sách tính đến thời điểm hiện tại đạt 43 nghìn tỉ, cả nội địa và nhập khẩu, với tốc độ hiện tại, đến hết 31/12 có thể lên đến 45 nghìn tỉ, vượt cả dự toán của Trung ương và Hội đồng Nhân dân.

Góp ý cho hội thảo, ông Bùi Văn Khắng chia sẻ, để phát triển được kinh tế, đảm bảo an ninh kinh tế, chúng ta cần triển khai Nghị quyết 02 và 35 một cách chủ động, sáng tạo, “đi đến đâu chắc đến đó”, giảm rủi ro cho doanh nghiệp tức là giảm rủi ro cho chính quyền. Quảng Ninh vẫn sẽ tiếp tục triển khai Nghị quyết một cách sáng tạo, tiếp tục duy trì quá trình phát triển kinh tế từ “nâu sang xanh”, phát triển kinh tế, đảm bảo bền vững nhưng vẫn thân thiện với môi trường.

Đại diện một số hiệp hội doanh nghiệp tham gia hội thảo cho rằng, còn nhiều dư địa để phát triển doanh nghiệp và những địa phương đi sau có thể học hỏi kinh nghiệm của những địa phương đi trước để tháo gỡ những điểm nghẽn trong phát triển kinh tế, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động.