CHƯƠNG TRÌNH AUSTRALIA HỖ TRỢ CẢI CÁCH KINH TẾ VIỆT NAM (Aus4Reform)

10/5/2019

Tiềm năng thị trường Australia từ Hiệp định CPTPP

Là một trong 20 nền kinh tế lớn trên thế giới, và là một trong 10 điểm đến hấp dẫn nhất của FDI (vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài), toàn cầu. Australia đã và đang trở thành một trong những thị trường xuất khẩu và đầu tư rất tiềm năng của Việt Nam.

Tiềm năng thị trường Australia từ Hiệp định CPTPP

Là một trong 20 nền kinh tế lớn trên thế giới, và là một trong 10 điểm đến hấp dẫn nhất của FDI (vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài), toàn cầu. Australia đã và đang trở thành một trong những thị trường xuất khẩu và đầu tư rất tiềm năng của Việt Nam.

Đặc biệt, Việt Nam và Australia đều là thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CP TPP). Đây chính là điều kiện thuận lợi để thúc đẩy giao thương và đầu tư.

 

Tình hình xuất khẩu và đầu tư giữa Việt Nam và Australia

Theo trung tâm WTO (VCCI), sau 10 năm, xuất khẩu (XK) hàng hóa từ Việt Nam sang Australia chưa có đột phá, dừng ở mức 4,8 tỉ USD (2008- 2018). So sánh với các đối tác XK khác của Việt Nam, Australia chỉ là thị trường XK lớn thứ 13 của Việt Nam năm 2017, với giá trị XK thấp hơn nhiều so với các thị trường XK trọng điểm của Việt Nam như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… Đối với Australia, thì Việt Nam là đối tác nhập khẩu (NK) thứ 14 (ở mức 3,2 tỷ USD).

Về mặt xuất khẩu dịch vụ, sau 10 năm, xuất khẩu dịch vụ của Việt Nam sang Australia tăng gấp đôi, từ 500 triệu USD năm 2007 lên 1 tỉ USD năm 2017. Tuy nhiên, giá trị vẫn còn hạn chế. Việt Nam đứng thứ 4 trong các nước ASEAN về xuất khẩu dịch vụ sang Australia sau Singapore, Indonesia and Thailand. Trong đó, dịch vụ du lịch là chủ yếu. Đầu tư từ Việt Nam sang Australia tăng gấp 5 lần trong 10 năm, từ gần 140 triệu USD năm 2008 lên gần 700 triệu USD năm 2018. Tuy nhiên, con số này rất nhỏ.

Lý do tổng kinh ngạch XK của Việt Nam sang Australia vẫn hạn chế

Theo ông Raymond Mallon, Cố vấn chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform), yếu tố đầu tiên khiến kinh ngạch XK thấp là quy mô thị trường Australia không lớn (chỉ khoảng 25 triệu người), với quy mô dân số ít như Australia sẽ luôn có những hạn chế về XK, đặc biệt là các sản phẩm tiêu dùng.

Ảnh cắt từ video
Ông Raymond Malon, Cố vấn chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform)

Hai là, các lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong xuất khẩu thì cũng là những thứ Australia khá mạnh. Ví dụ như, cả Việt Nam và Australia đều nổi tiếng với các sản phẩm nông nghiệp, các thức ăn chế biến chất lượng cao. Vậy nên, XK nông nghiệp từ Việt Nam sẽ không có tỉ trọng cao. Tuy nhiên, cũng có những thị trường ngách mà Việt Nam có thể cạnh tranh với Australia. Ví dụ như hoa quả nhiệt đới, Việt Nam và Australia có thời vụ thu hoạch không giống nhau, vì vậy Việt Nam nên tận dụng lợi thế này.

Một lý do nữa là, Australia có tiêu chuẩn SPS (các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch thực vật) cao nhất thế giới. Những tiêu chuẩn này rất cao và khó đạt được. Để vượt qua rào cản này các ngành sản xuất của Việt Nam cần có một quy mô nhất định.

Đặc biệt, Việt Nam có cơ cấu hàng XK không thật sự bổ sung với cơ cấu hàng NK của Australia. So sánh trong top 10 sản phẩm NK của Australia và top 10 sản phẩm XK của Việt Nam năm 2017, thì chỉ có 3 sản phẩm NK của Australia trùng với sản phẩm XK của Việt Nam. Hơn nữa, một số sản phẩm XK chủ lực truyền thống của Việt Nam (như nông sản, dệt may) lại là các sản phẩm mà Australia NK rất ít.

Tận dụng cơ hội từ CPTPP

Trước CPTPP, hàng hóa thương mại giữa Việt Nam và Australia đã hưởng các ưu đãi thuế quan của AANZFTA (Hiệp định thương mại tự do giữa Australia, New Zealand and ASEAN). So với AANZFTA, trong CPTPP, Australia có thêm nhiều cam kết mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, đầu tư… cho Việt Nam, mở ra những cơ hội mới cho XK của Việt Nam sang thị trường này.

Trước hết, đó là cơ hội từ các cam kết cắt giảm thuế quan của Australia trong CPTPP. Theo đó, Australia cam kết xoá bỏ thuế quan đối với 93% số dòng thuế ngay sau khi hiệp định có hiệu lực. Gần như toàn bộ các dòng thuế còn lại sẽ được xóa bỏ trong vòng 3 đến 4 năm.

Như vậy, chỉ trong vòng 1, 2 năm tới toàn bộ hàng hóa của Việt Nam sẽ rộng đường vào thị trường Australia với thuế quan bằng 0%. Tất nhiên để được hưởng các mức thuế quan ưu đãi này thì hàng hóa phải đáp ứng được quy tắc xuất xứ quy định trong CPTPP.

Bên cạnh các cam kết về cắt giảm thuế quan, CPTPP cũng bao gồm một số các cam kết về cắt giảm các hàng rào phi thuế quan, giúp tạo thuận lợi hơn cho hàng hóa của Việt Nam XK sang Australia. Đơn cử, các cam kết trong CPTPP đã mở rộng ở nhiều nội dung liên quan đến các biện pháp cấm/hạn chế NK. Các cam kết này sẽ đảm bảo cho hàng hóa XK của Việt Nam sang Australia tránh gặp phải các biện pháp cấm/hạn chế NK áp dụng đối với các hàng hóa XK.

Hay các cam kết về hải quan và thuận lợi hóa thương mại của CPTPP có nhiều nội dung quan trọng giúp tạo thuận lợi hơn cho thương mại nội khối, đặc biệt có lợi cho các doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ vốn gặp nhiều khó khăn trong việc tìm hiểu và đáp ứng các quy định hải quan của các nước. Do đó, các cam kết này được đánh giá là sẽ đem lại nhiều lợi ích cho các DN XK của Việt Nam, với trên 90% là DN vừa và nhỏ, khi XK hàng hóa sang các thị trường CPTPP trong đó có Australia…

Bà Phùng Thị Lan Phương – Trưởng phòng FTA, Trung tâm WTO và hội nhập, VCCI cho biết, về dịch vụ và đầu tư thì Australia có nhiều cam kết mở cửa hơn cho Việt Nam, đặc biệt là ở một số lĩnh vực dịch vụ và đầu tư mà Việt Nam có thế mạnh như phân phối, viễn thông, vận tải hàng không và du lịch. Đây là những cơ hội mới cho những doanh nghiệp, các nhà cung cấp xuất khẩu dịch vụ của Việt Nam cũng như các nhà đầu tư của Việt Nam khi tiếp cận thị trường Australia.

Ảnh cắt từ video
Bà Phùng Thị Lan Phương – Trưởng phòng FTA, Trung tâm WTO và hội nhập, VCCI

Thời gian tới, doanh nghiệp Việt Nam cần tìm hiểu nhiều hơn về CPTPP, nghiên cứu kỹ khả năng thâm nhập thị trường Australia, các nhà xuất khẩu, đầu tư của Việt Nam cần chủ động giải quyết các vấn đề còn tồn tại và nâng cao năng lực cạnh tranh của mình để có thể cải thiện và tăng cường xuất khẩu và đầu tư sang thị trường Australia.

 

Những phân tích, đánh giá của ông Raymond Mallon và các chuyên gia kinh tế về tình hình xuất khẩu của Việt Nam sang Australia: tại đây 


Nguồn: VTV 4