CHƯƠNG TRÌNH AUSTRALIA HỖ TRỢ CẢI CÁCH KINH TẾ VIỆT NAM (Aus4Reform)

26/12/2019

Việc làm cho lao động nữ nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long: Cơ hội và thách thức

Trong khuôn khổ nghiên cưu về thực trạng và cơ hội việc làm cho phụ nữ nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long, sáng ngày 26/12/2019, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn tổ chức hội thảo “Việc làm cho phụ nữ nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long: cơ hội và thách thức” dưới sự tài trợ của chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform).

Việc làm cho lao động nữ nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long: Cơ hội và thách thức

Trong khuôn khổ nghiên cưu về thực trạng và cơ hội việc làm cho phụ nữ nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long, sáng ngày 26/12/2019, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn tổ chức hội thảo “Việc làm cho phụ nữ nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long: cơ hội và thách thức” dưới sự tài trợ của chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform).

Tại hội thảo, thực trạng, cơ hội và khó khăn đối với phụ nữ vùng Đồng bằng sông Cửu Long (DBSCL) trong đào tạo, tìm kiếm việc làm và chuyển đổi ngành nghề được đưa ra.

Toàn cảnh hội thảo
Toàn cảnh hội thảo

Thực trạng trong vấn đề việc làm của phụ nữ vùng DBSCL

Ở Việt Nam, lao động nữ là nguồn nhân lực to lớn góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong thời kỳ hội nhập. Cụ thể là tỷ lệ nữ tham gia lao động trên tổng lao động chiếm đến 47,8%.

Vùng DBSCL giàu tiềm năng phát triển nông nghiệp, công nghiệp thực phẩm, chế biến, du lịch nhưng đối mặt nguy cơ lớn từ biến đổi khí hậu và việc thu hồi đất nông nghiệp phục vụ những mục đích khác nhau ảnh hưởng rất lớn tới đời sống, việc làm của người dân nông nghiệp nông thôn, đặc biệt là lao động nữ.

Theo báo cáo, tỷ lệ lao động nữ tham gia lực lượng lao động chiếm 65,7%, thấp hơn 17,7 điểm so với lao động nam. DBSCL là vùng tập trung lao động nữ đông nhất nhưng lại có tỷ lệ lao động nữ được đào tạo chuyên môn kỹ thuật thấp nhất cả nước, chưa đến 20%, trong khi nam giới là 24,4% mặc dù có rất nhiều quy định chung và riêng, và vấn đề bình đẳng trong tiếp cận giáo dục đào tạo đã được đưa ra. Điều đó dẫn đến tiền lương của nữ bình quân là 5,2 triệu đồng/tháng, và của nam là 5,9 triệu đồng/tháng).

bà Nguyễn Thị Kiều Oanh, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bến Tre phát biểu tại hội thảo
Bà Nguyễn Thị Kiều Oanh, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bến Tre phát biểu tại hội thảo

Bên cạnh những bất bình đẳng trong lao động so với nam giới, việc làm cho phụ nữ ở DBSCL còn chịu tác động rất lớn do biến đổi khí hậu, hay dịch bệnh. Theo bà Nguyễn Thị Kiều Oanh, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bến Tre, tỉnh Bến Tre chủ yếu là trồng dừa nhưng năm nay phải chịu những cơn bão lớn, điều này ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng của quả dừa, do đó giá dừa bị giảm mạnh. Tiếp đó, giữa năm dịch bệnh lợn Châu Phi tàn phá, lợn ở những vùng nuôi lợn chết sạch, gây khó khăn cho người dân. Đặc biệt, là tình trạng nước mặn xâm nhập sâu và sớm hơn mọi năm, ảnh hưởng đến tình hình sản xuất nông nghiệp của người dân. Điều này, đã buộc nông dân DBSCL phải di cư lao đi nơi khác để kiếm việc làm, đặc biệt là lao động nữ.

Liệu di cư lao động có giúp lao động nữ nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long phát triển kinh tế?

Khi di cư lao động, lao động nữ phải chịu rất nhiều rủi ro cho bản thân và cho con cái, gia đình. Thứ nhất, phụ nữ di cư lao động dễ có nguy cơ đứng trước bờ vực của li hôn do không dành đủ thời gian chăm sóc gia đình. Thứ hai, họ buộc phải để con cái ở nhà cho ông bà nuôi dạy, điều này ảnh hưởng rất lớn tới quá trình giáo dục và dạy dỗ lực lượng lao động chính và lâu dài trong tương lai.

Trước nguy cơ đó, bà Nhàn kiến nghị, các nhà chức trách cần thực hiện tốt công tác tư vấn định hướng, hỗ trợ hộ gia đình, người lao động tiếp cận với các chính sách trên các lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ; hạn chế lực lượng lao động nữ (trung niên) phải bỏ gia đình, quê hương đi lao động ở những cụm công nghiệp, thành phố lớn, rất nhiều rủi ro cho bản thân cũng như con cái và gia đình.

Thách thức từ Cách mạng 4.0: nguy cơ mất việc làm của phụ nữ nông thông vùng đồng bằng sông Cửu Long

Khoa học công nghệ phát triển cần số lượng lao động ít hơn, nhưng đòi hỏi chất lượng cao hơn. Đây là một thách thức lớn với lao động nữ. Hiện nay, lao động nữ vùng đồng bằng sông Cửu Long đang tập trung nhiều ở các ngành nghề như: chế biến thủy sản, lắp ráp điện tử, may mặc, giày da… Nhưng sự phát triển của khoa học công nghệ, tự động hóa như hiện nay đã đe dọa trực tiếp đến cơ hội việc làm cho phụ nữ. Cách mạng công nghiệp 4.0 là một thách thức lớn đối với lao động nữ ở nông thôn. Để có việc làm, chị em cần được hỗ trợ chuyển dịch từ lao động nông nghiệp nông thôn sang lĩnh vực khác. Đồng thời, phải chuyển đổi từ lao động giản đơn, kỹ thuật thấp sang lao động năng suất, yêu cầu cao hơn, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Hương, Trưởng ban Kinh tế, Hội LHPN tỉnh Sóc Trăng, tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động cụ thể chuyển giao kiến thức khoa học kỹ thuật cho chị em. Cụ thể như: tổ chức các lớp sử dụng công cụ số để thúc đẩy kinh doanh, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp… Tuy nhiên, cần có thời gian để chị em được tiếp cận với khoa học kỹ thuật, để làm quen với kiến thức mới.

Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp cũng được các cấp hội phụ nữ triển khai, mang đến cho chị em phụ nữ cơ hội tiếp cận việc làm, bình đẳng trong kinh doanh, nâng cao quyền năng phát triển kinh tế.

Để tháo gỡ những khó khăn này, theo bà Trần Thị Thanh Nhàn, cần có những đề án hỗ trợ chị em chuyển dịch lao động, kiến thức, kỹ năng đáp ứng nhu cầu thị trường. Song song đó, cần có những chiến lược dài hơi để lao động nữ trẻ, các bé gái nhìn nhận, thay đổi định kiến với các ngành nghề. Từ đó, lao động nữ có thể tham gia vào các công việc liên quan đến khoa học kỹ thuật, kỹ thuật số…