CHƯƠNG TRÌNH AUSTRALIA HỖ TRỢ CẢI CÁCH KINH TẾ VIỆT NAM (Aus4Reform)

15/1/2021

Việt Nam thuộc nhóm tăng trưởng dương cao nhất thế giới trong năm 2020

Theo báo cáo của CIEM, tốc độ tăng GDP năm 2020 của Việt Nam đạt 2,91%, thuộc nhóm nước có tăng trưởng cao nhất thế giới. Trong bối cảnh dịch COVID-19 ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế xã hội thì đây là thành công lớn.

Việt Nam thuộc nhóm tăng trưởng dương cao nhất thế giới trong năm 2020

Theo báo cáo của CIEM, tốc độ tăng GDP năm 2020 của Việt Nam đạt 2,91%, thuộc nhóm nước có tăng trưởng cao nhất thế giới. Trong bối cảnh dịch COVID-19 ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế xã hội thì đây là thành công lớn.

Toàn cảnh hội thảo
Toàn cảnh hội thảo

Đây là số liệu được đưa ra tại Hội thảo “Kinh tế Việt Nam năm 2020 và triển vọng 2021: Cải cách, hội nhập và phát triển bền vững” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tổ chức với sự hỗ trợ của chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform) vào sáng ngày 15/1/2021.

Phát biểu tại Hội thảo, Tiến sĩ Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM, kiêm Giám đốc dự án Aus4Reform cho biết “2,91% là con số thấp nhất trong vòng 30 năm qua của Việt Nam, nhưng đặt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 thì đây là một con số đáng khích lệ”.

Tiến sĩ Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM, Giám đốc dự án Aus4Reform phát biểu
Tiến sĩ Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM, Giám đốc dự án Aus4Reform phát biểu

Bên cạnh đó, một số chỉ tiêu kinh tế khác của Việt Nam trong năm 2020 cũng rất ấn tượng như là xuất khẩu, kiểm soát lạm phát và một số chỉ tiêu kinh tế vi mô khác.

Nói đến xuất khẩu, vào những tháng đầu năm khi cả thế giới chứng kiến sự lây lan của đại dịch Covid-19, khi mà chuỗi cung ứng toàn cầu gần như là đứt gẫy và đóng băng, trì trệ thì khả năng đẩy mạnh xuất khẩu của Việt Nam ở thời điểm đó rất là u ám. Tuy nhiên, sau khi năm 2020 khép lại thì kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt gần 281,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với quý III và quý IV.

Trong năm 2020, lạm phát bình quân đạt 2,31%, được đánh giá ở mức tương đối ổn định, đặc biệt là trong bối cảnh ưu tiên tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phục hồi kinh tế.

Thị trường bảo hiểm nhân thọ, thị trường chứng khoán có khởi sắc so với năm 2019.

Tổng đầu tư phát triển xã hội theo giá hiện thành đạt 2165,4 tỷ đồng. Tỷ lệ đầu tư/GDP có xu hướng tăng, đạt 33,6%.

Nhìn chung, kinh tế vĩ mô của Việt Nam vẫn tương đối ổn định cho thấy sức chống chịu của nền kinh tế Việt Nam so với những năm trước đây đã tốt hơn rất nhiều.  

Tại Hội thảo, CIEM cũng đưa ra dự báo hai kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2021. Theo đó, tăng trưởng kinh tế năm 2021 có thể đạt mức 5,98% theo kịch bản 1 và 6,46% theo kịch bản 2. Tương ứng, xuất khẩu cả năm tăng lần lượt 4,23% và 5,06%. Thặng dư thương mại tương ứng ở mức 5,49 tỷ USD và 7,24 tỷ USD. Lạm phát bình quân lần lượt là 3,51% và 3,78%.

Theo ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Ban Nghiên cứu Tổng hợp, CIEM: “Dự báo của các chuyên gia CIEM được đưa ra dựa trên một số rủi ro trong năm 2021, bao gồm khả năng tiếp cận vaccin, rủi ro phục hồi kinh tế không đều ở các thị trường đối tác. Mỹ và EU có thể phục hồi chậm hơn Trung Quốc”.

 Bên cạnh đó, xu hướng nới lỏng tiền tệ và giảm giá đồng nội tệ ở nhiều nước khác trong khu vực châu Á trong bối cảnh COVID-19, cùng với việc gia tăng các biện pháp phòng vệ thương mại ở các nước nhập khẩu cũng là những rủi ro được CIEM đưa ra.

 Từ phân tích đánh giá tình hình thực tế, CIEM nhấn mạnh lại thông điệp cần tiếp tục tập trung vào cải thiện nền tảng kinh tế vi mô và đổi mới hệ thống thể chế kinh tế theo hướng thân thiện hơn với sáng tạo và môi trường, gắn với xử lý hiệu quả những rủi ro, đặc biệt gắn với COVID-19, trong bối cảnh “bình thường mới”.