CHƯƠNG TRÌNH AUSTRALIA HỖ TRỢ CẢI CÁCH KINH TẾ VIỆT NAM (Aus4Reform)

11/11/2022

Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật: Cần hạn chế những văn bản tồn tại “trên giấy”

Nhiều doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với bất cập khi thực hiện hoạt động kinh doanh. Nguyên nhân do chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật chưa thực sự tốt.

Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật: Cần hạn chế những văn bản tồn tại “trên giấy”

Nhiều doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với bất cập khi thực hiện hoạt động kinh doanh. Nguyên nhân do chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật chưa thực sự tốt.

Có nhiều tiến bộ trong xây dựng, nhưng chất lượng văn bản vẫn hạn chế

Sáng 11/11, tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã phối hợp với Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo Chất lượng của quy định và sự thuận lợi của môi trường kinh doanh. Đây là hoạt động được thực hiện trong khuôn khổ Dự án tăng cường tiếng nói của doanh nghiệp trong giám sát và thực hiện tái cơ cấu kinh tế thuộc Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam - Aus4Reform.

Theo thông tin từ hội thảo, thời gian gần đây, Nhà nước đang thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động cải thiện môi trường kinh doanh thông qua các chính sách cắt giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp, cải cách thủ tục hành chính, rà soát các quy định mâu thuẫn, chồng chéo tháo gỡ các “điểm nghẽn” của hoạt động kinh doanh. Tiến hành sửa đổi một loạt các luật lớn tác động đến môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh, nên môi trường đầu tư, kinh doanh có nhiều chuyển biến thuận lợi hơn.

Quang cảnh Hội thảo
Quang cảnh Hội thảo

Về công tác xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký, Trưởng Ban pháp chế - VCCI cho rằng: Chính phủ luôn đặt yêu cầu cao về phương pháp hoàn thiện thể chế, theo đó từ năm 1998 đến nay, quy trình xây dựng các văn bản pháp luật được thay đổi nhiều lần, theo hướng ngày càng minh bạch, cởi mở hơn.

Trước năm 2007, các sự kiện thảo luận, lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp để hoàn thiện văn bản pháp luật rất hiếm, nhưng hiện nay các hội thảo, hội nghị được tổ chức để tham vấn, lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp nhằm hoàn thiện văn bản pháp luật ngày càng trở nên phổ biến. Các bộ, ngành bây giờ cũng phải công khai các dự thảo văn bản pháp luật để lấy ý kiến doanh nghiệp.

Đồng tình với quan điểm trên, theo bà Chu Thị Hoa - Phó Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý: Giai đoạn vừa qua, các nhà làm chính sách của Việt Nam đã rất nỗ lực trong xây dựng các văn bản chính sách pháp luật, theo đó đã tạo ra được nhiều văn bản tốt, nhằm hoàn thiện môi trường kinh doanh theo hướng thuận lợi, thông thoáng hơn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu và mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp. Đây cũng là lý do, thời gian qua số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới có sự gia tăng mạnh mẽ.

Rõ ràng, quy trình xây dựng văn bản pháp luật ngày càng được đổi mới, công khai và tạo thuận lợi hơn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu tích cực, nhiều ý kiến tại hội thảo cũng cho rằng, chất lượng văn bản pháp luật tại Việt Nam vẫn chưa được như kỳ vọng, tạo ra những rào cản trong sản xuất kinh doanh.

“Đặc biệt, hiện tượng lạm dụng ban hành thông tư vẫn tồn tại, tình trạng trong một số ngành, lĩnh vực, việc áp dụng pháp luật bị lệ thuộc quá lớn vào thông tư đã khiến những lo ngại về tình trạng “luật ống”, “luật khung” quay trở lại”, bà Nguyễn Thị Diệu Hồng - Trưởng phòng, Ban Pháp chế VCCI thông tin.

Theo bà Chu Thị Hoa, những bất cập trên cũng chính là lý do, cuối năm, Chính phủ vẫn có các tổ rà soát văn bản pháp luật.

Trong khi đó, theo ông Đậu Anh Tuấn, chất lượng văn bản pháp luật đóng vai trò vô cùng quan trọng, có tác động lớn đến đời sống người dân và hoạt động của doanh nghiệp. Một thông tư của cấp bộ tạo ra có thể sẽ tạo ra những xáo trộn lớn với người dân, và có thể tạo thuận lợi hay bất lợi đối với doanh nghiệp. Tạo ra sự thuận lợi hay không thuận lợi, đình trệ hay không đình trệ đối với ngành hàng.

Nâng cao chất lượng văn bản pháp luật, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp

Theo đại diện Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp), pháp luật là thành tố vô cùng quan trọng trong môi trường đầu tư, kinh doanh. Trong góc nhìn của mình, cộng đồng doanh nghiệp luôn mong muốn pháp luật được các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước ban hành có chất lượng tốt nhất, tôn trọng tối đa quyền tự do kinh doanh, đồng thời bảo đảm lợi ích chung của quốc gia, dân tộc, lợi ích của cộng đồng.

Tuy nhiên, thông tin từ hội thảo cũng đưa ra rằng, quá trình ban hành văn bản pháp luật thiếu minh bạch và khách quan, dẫn đến nhiều văn bản được đưa ra không sát với thực tế và thiếu sự đồng thuận của cộng đồng doanh nghiệp. Có nhiều văn bản vừa mới ban hành đã không được ủng hộ, yêu cầu phải sửa đổi.

Trong khi đó theo bà Chu Thị Hoa, việc sửa đổi văn bản luật sẽ gây tốn kém không chỉ cho cộng đồng doanh nghiệp mà còn tốn kém cho cả ngân sách Nhà nước. Cụ thể, mỗi lần sửa đổi văn bản, doanh nghiệp tốn chi phí tuân thủ, làm quen với văn bản luật mới, còn Nhà nước thì tốn kém chi phí xây dựng luật, tổ chức hoạt động tuyên truyền luật. Do đó, xây dựng một văn bản pháp luật tốt, không phải sửa đổi cũng là cách tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp, nhà nước và hoàn thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Bà Chu Thị Hoa - Phó Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý trình bày
Bà Chu Thị Hoa - Phó Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý trình bày

Để khắc phục những hạn chế và nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật, Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) nêu ra 3 giải pháp, bao gồm: Thứ nhất, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần tuân thủ đúng và đầy đủ các nguyên tắc, quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật được quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020). Trong đó, cần ưu tiên đầu tư cho công tác phân tích, đánh giá tác động chính sách trong quy trình xây dựng văn bản pháp luật. Theo đó, giai đoạn xây dựng chính sách nên được xác định là khâu quan trọng trong quá trình xây dựng pháp luật, bởi lẽ chính sách tốt, có lợi cho dân, có lợi cho sự phát triển của đất nước là tiền đề xây dựng văn bản pháp luật có chất lượng tốt, có tính khả thi.

Thứ hai, cần tăng cường tham vấn đối tượng chịu tác động, nhất là tham vấn người dân, doanh nghiệp là đối tượng chịu sự tác động, nâng cao hiệu quả của hoạt động này để tiếng nói của người dân, cộng đồng doanh nghiệp cùng những tiếng nói tâm huyết, trách nhiệm của chuyên gia, nhà hoạt động thực tiễn đến gần hơn các cơ quan ra quyết sách, qua đó góp phần bảo đảm hơi thở của cuộc sống đầy đủ hơn vào nội dung văn bản quy phạm pháp luật.

Thứ ba, tiếp tục cải thiên sự liên thông, gắn kết giữa xây dựng pháp luật với thi hành pháp luật, Việc ban hành một văn bản tốt, có chất lượng sẽ là tiền đề quan trọng đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả trong thi hành văn bản đó. Nếu trong quá trình xây dựng pháp luật mà không xem xét, đánh giá đầy đủ các điều kiện bảo đảm cho quá trình thi hành thì sẽ cho ra đời những văn bản pháp luật thiếu khả thi, không phù hợp với thực tiễn và chỉ là những văn bản pháp luật tồn tại “trên giấy”.

Tài liệu hội thảo: