CHƯƠNG TRÌNH AUSTRALIA HỖ TRỢ CẢI CÁCH KINH TẾ VIỆT NAM (Aus4Reform)

1/8/2018

“Cần có cơ quan giám sát độc quyền độc lập”

“Cần có cơ quan giám sát độc quyền độc lập”

“Không có cơ quan đủ quyền lực giám sát độc quyền thì rất khó giảm độc quyền kinh doanh nhà nước dù Luật Cạnh tranh có đề cập đến”.

 

TS. Lê Đăng Doanh phát biểu tại Hội thảo
TS. Lê Đăng Doanh phát biểu tại Hội thảo

TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ(CIEM) nhấn mạnh tại hội thảo “Cải cách độc quyền nhà nước trong các ngành công nghiệp mạng lưới”, ngày 6/7.

Trong khuôn khổ chương trình "Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam" (Chương trình Aus4Reform) do chính phủ Australia tài trợ nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp mạng lưới ở Việt Nam, CIEM đã nghiên cứu về vai trò của Nhà nước và độc quyền nhà nước trong 4 ngành công nghiệp mạng lưới ở Việt Nam là viễn thông, hàng không, điện và đường sắt. Đây là những ngành có vai trò quan trọng trong nền kinh tế.

DNNN vẫn thống lĩnh thị trường

Nói về kết quả nghiên cứu, TS Nguyễn Thị Luyến - Trưởng ban thể chế kinh tế, CIEM cho rằng, so với quốc tế, ở Việt Nam, nhà nước vẫn can thiệp vào hầu hết các ngành công nghiệp mạng lưới thông qua doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và vẫn còn nhiều vấn đề trong thực hiện độc quyền nhà nước của các DNNN làm hạn chế cạnh tranh trong các ngành công nghiệp này.

Cụ thể, báo cáo nghiên cứu cho thấy, ngành viễn thông gần như đã mở cửa thị trường hoàn toàn cho sự tham gia của các thành phần kinh tế khác. Tình trạng “độc quyền tự nhiên” ngày càng thu hẹp và biểu hiện không còn rõ ràng khi nhiều nhà mạng đã tự đầu tư hạ tầng mạng viễn thông. Số lượng các DN thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia thiết lập cơ sở hạ tầng viễn thông và cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng ngày càng nhiều.

Chính điều này khiến giá dịch vụ viễn thông của các nhà mạng ngày càng giảm. Tuy nhiên, tổng thị phần của VNPT, Mobifone và Viettel (3 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước) vẫn duy trì vị trí thống lĩnh thị trường ở các dịch vụ 2G, 3G, dịch vụ băng rộng cố định mặt đất… Đặc biệt, 3 nhà mạng này có sức mạnh thị trường rất lớn, trong khi sự tham gia của các DN khác còn hạn chế.  

Còn trong ngành điện, báo cáo chỉ rõ, ngành này mới mở cửa một phần. Mặc dù đã mở cửa các công ty hiện hữu (đã tồn tại từ trước, cụ thể là các doanh nghiệp nhà nước) song vẫn duy trì vị trí thống lĩnh thị trường. Hiện Tập đoàn Điện lực VN đang có vị trí thống lĩnh thị trường. Tập đoàn này chi phối trong hoạt động phát điện, độc quyền trong quản lý hạ tầng mạng truyền tải điện và phân phối điện. Hơn nữa, không có sự chắc chắn về phí truy cập, năng lực truyền tải điện và tất cả người tiêu dùng đều có hợp đồng dài hạn với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (thông qua hệ thống các công ty con, cháu). Đây là vấn đề đòi hỏi phải quan tâm khi tiếp tục thực hiện cải cách độc quyền nhà nước trong ngành điện, tạo điều kiện cho thiết lập một thị trường cạnh tranh.

Với ngành hàng không, việc tách bạch đã được thực hiện. Khu vực tư nhân đã tham gia sâu vào lĩnh vực vận tải hàng không. Hệ thống cung ứng dịch vụ hàng không đã tạo lập được thị trường cạnh tranh. Các hãng hàng không đã phát triển tạo ra một thị trường cạnh tranh mạnh mẽ, góp phần nâng cao chất lượng nhưng giá lại rẻ hơn. Tuy nhiên, có thể thấy thị trường hàng không có mức độ tập trung cao (Vietnam Airlines và Vietjet Air). Vị thế độc quyền của Tổng công ty cảng hàng không VN (ACV) thể hiện khá rõ. Mức độ, phạm vi độc quyền vẫn diễn ra, đặc biệt khi trao cho một đơn vị quản lý và độc quyền khai thác toàn bộ 22 sân bay thương mại.

So với 3 ngành trên, độc quyền trong ngành đường sắt Việt Nam còn thể hiện rất rõ, gần như độc quyền toàn bộ. Báo cáo chỉ rõ, việc kinh doanh vận tải đường sắt quốc gia và quản lý kết cấu hạ tầng vẫn do các DN mà Tổng công ty đường sắt VN giữ phần vốn chi phối. Vẫn tồn tại việc DN vừa kinh doanh kết cấu hạ tầng, điều hành giao thông vận tải đường sắt lại vừa kinh doanh vận tải nên có vị thế chi phối rất lớn, chưa tạo ra được môi trường cạnh tranh lành mạnh. Ngành đường sắt chưa có sự độc lập, tách bạch giữa hạ tầng đường sắt với các hoạt động hạ nguồn (kinh doanh vận tải đường sắt) bởi vì thực tế Tổng công ty Đường sắt Việt Nam vẫn quản lý thống nhất.

Chính việc đầu tư nhỏ giọt, nên tất cả các hạng mục như đầu máy, toa xe, khổ đường đều khá biệt lập, lạc hậu và thiếu kết nối. Vì vậy, thị phần vận tải đường sắt giai đoạn 2010 - 2017 "giảm trông thấy" khi vận tải hành khách ngành đường sắt giảm từ 0,48% - 0,23% thị phần vận tải hành khách.

Tương tự thị phần vận tải hàng hóa của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng giảm từ 0,97% - 0,39% thị phần vận tải hàng hóa. Số lượng hành khách sử dụng tàu hỏa từ 11,2 triệu hành khách (năm 2010) giảm xuống còn 9,5 triệu hành khách (năm 2017).

Giải pháp nào?

Nhận định về thực trạng độc quyền nhà nước trong các ngành công nghiệp trên, ông Doanh nhấn mạnh, chúng ta đã có những nỗ lực nhất định nhưng thực chất lại biến độc quyền nhà nước thành độc quyền DN mà không có sự tham gia giám sát của xã hội, không có cơ quan đủ quyền lực giám sát độc quyền thì rất khó giảm độc quyền kinh doanh nhà nước cho dù Luật Cạnh tranh đã có quy định. Do đó, ông Doanh đề nghị phải thành lập cơ quan giám sát về cạnh tranh.

 

 

Cụ thể hơn với ngành hàng không, ông Doanh nêu rõ, phải tách Công ty quản lý sân bay ra khỏi Tổng cục hàng không để trở thành công ty độc lập. Đặc biệt, theo ông Doanh, trong độc quyền mạng lưới này vẫn lẫn giữa nhiệm vụ chính trị với kinh doanh mà vẫn chưa tách được. EVN vẫn phải lo cho vùng sâu vùng xa khiến cho giá vẫn chưa hợp lý. Do đó, với ngành điện nên tách phần công ích và kinh doanh.

(Theo Tài chính Doanh nghiệp)