CHƯƠNG TRÌNH AUSTRALIA HỖ TRỢ CẢI CÁCH KINH TẾ VIỆT NAM (Aus4Reform)

5/11/2019

DNNN muốn tiếp cận 4.0 thì phải ‘dám chấp nhận’ rủi ro, thua lỗ

Quá trình đổi mới sáng tạo là một quá trình thử, sai và sửa vì vậy tính rủi ro cao, các doanh nghiệp nhà nước có dám chấp nhận rủi ro?

DNNN muốn tiếp cận 4.0 thì phải ‘dám chấp nhận’ rủi ro, thua lỗ

Quá trình đổi mới sáng tạo là một quá trình thử, sai và sửa vì vậy tính rủi ro cao, các doanh nghiệp nhà nước có dám chấp nhận rủi ro?

Sáng 5/11, trong khuôn khổ chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform), Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức hội thảo: "Mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp nhà nước trong công nghiệp 4.0: Thực trạng và kiến nghị chính sách" tại Hà Nội, nhằm tập trung đánh giá toàn diện về vai trò, sứ mệnh và chuẩn bị của doanh nghiệp nhà nước trong cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đề xuất mục tiêu và định hướng giải pháp cho giai đoạn tới.

Toàn cảnh Hội thảo
Toàn cảnh Hội thảo

Theo báo cáo của CIEM, ở một số doanh nghiệp Nhà nước quy mô lớn, mức độ ứng dụng và mức độ sẵn sàng cho cách mạng công nghiệp 4.0 khá cao. Tuy nhiên, ở mặt bằng chung, mức độ ứng dụng công nghệ 4.0 của doanh nghiệp Việt Nam còn ở mức độ thấp và ở doanh nghiệp Nhà nước thấp hơn doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Cơ hội và thách thức đối với DNNN Việt Nam trong CN 4.0

Ông Trần Đức Chiều, Phó trưởng ban Ban Nghiên cứu cải cách và phát triển doanh nghiệp, CIEM cho biết CN 4.0 tạo ra bước nhảy lượng tử về kinh tế và xã hội, đến năm 2030, nếu áp dụng được CN 4.0, việc làm có thể tăng thêm từ 1,2 đến khoảng 3 triệu, và GDP tăng từ 30-60 tỉ đô la.

Ông Trần Đức Chiều, Phó trưởng ban Ban Nghiên cứu cải cách và phát triển doanh nghiệp, CIEM  phát biểu tại Hội thảo
Ông Trần Đức Chiều, Phó trưởng ban Ban Nghiên cứu cải cách và phát triển doanh nghiệp, CIEM phát biểu tại Hội thảo

Công nghiệp 4.0 cũng tạo ra một số cơ hội cho DNNN Việt Nam phát triển như tăng doanh thu, vươn lên dẫn dắt thị trường và đổi mới mô hình kinh doanh. Theo đánh giá của PWC ,những doanh nghiệp đi tiên phong áp dụng công nghiệp 4.0 có sác xuất gấp 3 lần để tăng doanh thu lên 30% so với những doanh nghiệp bình thường.

Tuy nhiên, DNNN cũng sẽ gặp phải không ít thách thức khi tỷ lệ lao động có trình độ cao, đáp ứng được trình độ khoa học công nghệ hiện đại còn thấp. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), chất lượng nhân lực của Việt Nam hiện chỉ đạt 3,79/10 điểm. Và, phần lớn nhân lực thiếu kỹ năng mềm như ngoại ngữ, công nghệ thông tin, kỹ năng làm việc nhóm, giao tiếp, tác phong công nghiệp...

Bên cạnh đó, trong bối cảnh phát triển công nghiệp hóa mạnh mẽ đòi hỏi các tập đoàn kinh tế Nhà nước buộc phải thay đổi chiến lược phát triển từ khai thác tài nguyên sang dựa vào công nghệ, đổi mới và sáng tạo cho phù hợp với xu thế chung của thế giới.

“Nhưng trên thức tế, phần lớn tập đoàn kinh tế có tiềm lực của Việt Nam hầu như vẫn dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên (như dầu mỏ, than đá, khoáng sản, rừng...), tập trung nhiều sức lao động,” ông Chiều chỉ ra.

Vai trò của DNNN trong tiếp cận CN 4.0

Quá trình đổi mới sáng tạo là một quá trình thử, sai và sửa, có tính rủi ro cao, điều này mâu thuẫn với thực trạng khi doanh nghiệp NN với tính đặc thù là sở hữu, được đánh giá là chậm, hoặc chịu tính rủi ro thấp hơn. Vì vậy, các nhà nghiên cứu cần xem xét kỹ lượng cách tiếp cận ngành công nghệ này cho Việt Nam để tận dụng được hết những cơ hội mà nó mang lại.

Trên thực tế là DNNN được xác định đóng vai trò then chốt, dẫn dắt  các thành phần kinh tế khác thì DNNN Việt Nam chưa thực sự được coi là một đối tượng quan trọng trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, chính sách chung về KHCN.

Nguyên nhân của tình trạng trên, theo ông Trịnh Đức Chiều, chủ yếu là do những bất cập về cơ chế chính sách đối với DNNN trong Công nghiệp 4.0. Theo đó, hiện vẫn thiếu văn bản pháp lý, chính sách, chiến lược khoa học công nghệ đặt ra mục tiêu cụ thể, định lượng cho DNNN. Ràng buộc cứng duy nhất đối với các DNNN là lập quỹ phát triển khoa học công nghệ: trích 3-10% của thu nhập tính thuế. Chưa có quy định, chính sách ràng buộc hợp tác, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ các DNNN để phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo; thiếu cơ chế tài chính phù hợp để thực hiện đầu tư, phát triển; thiếu các giải pháp cụ thể để tái cơ cấu DNNN theo hướng thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ.

Để các doanh nghiệp Nhà nước chủ động hơn trong việc nắm bắt cơ hội cũng như chủ động tiếp cận với công nghiệp hóa, nhóm tác giả của CIEM đề xuất, Chính phủ cần triển khai một cách cụ thể hoá các nhiệm vụ giải pháp. Trong đó, cần có cơ chế cho doanh nghiệp Nhà nước thực hiện đầu tư nghiên cứu phát triển công nghệ, đầu tư mạo hiểm, đầu tư vào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đặc biệt là doanh nghiệp Nhà nước phải phát huy vai trò đầu tàu trong phát triển năng lực khoa học công nghệ, xây dựng chiến lược, đầu tư phát triển của khu vực kinh tế này.