CHƯƠNG TRÌNH AUSTRALIA HỖ TRỢ CẢI CÁCH KINH TẾ VIỆT NAM (Aus4Reform)

19/6/2020

Quốc hội thông qua Luật Doanh nghiệp (sửa đổi)

Trong giai đoạn 2019-2020, Chương trình Aus4Reform đã có nhiều hỗ trợ cho quá trình sửa đổi Luật doanh nghiệp: hỗ trợ các cơ quan thực hiện các nghiên cứu nhằm cung cấp minh chứng và khuyến nghị chính sách cho việc sửa đổi, thực hiện các tọa đàm, hội thảo tham vấn góp ý dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).

Quốc hội thông qua Luật Doanh nghiệp (sửa đổi)

Trong giai đoạn 2019-2020, Chương trình Aus4Reform đã có nhiều hỗ trợ cho quá trình sửa đổi Luật doanh nghiệp: hỗ trợ các cơ quan thực hiện các nghiên cứu nhằm cung cấp minh chứng và khuyến nghị chính sách cho việc sửa đổi, thực hiện các tọa đàm, hội thảo tham vấn góp ý dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).

Sáng ngày 17/6, với đa số biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). 

Kết quả biểu quyết thông qua Luật Doanh nghiệp (sửa đổi)
Kết quả biểu quyết thông qua Luật Doanh nghiệp (sửa đổi)

Với 10 chương, 218 điều, Luật DN (sửa đổi) sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021. Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật DN (sửa đổi) được Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày trước Quốc hội cho thấy, Luật có nhiều điểm mới đáng chú ý.

Liên quan đến thông báo mẫu dấu của DN (Điều 43), Luật không quy định thủ tục thông báo mẫu dấu của DN với cơ quan đăng ký kinh doanh. Bởi theo nhiều đại biểu Quốc hội, thủ tục thông báo mẫu dấu của DN cho cơ quan đăng ký kinh doanh chỉ là thủ tục hành chính. Việc bỏ thủ tục này là giảm bớt thủ tục hành chính, giảm rủi ro trong giao dịch dân sự và giao dịch với cơ quan nhà nước, góp phần cắt giảm chi phí gia nhập thị trường, nâng cao xếp hạng về môi trường kinh doanh quốc gia. Để tạo thuận lợi cho việc gia nhập thị trường của DN, Luật thiết lập cơ chế đăng ký DN qua mạng thông tin điện tử với bộ hồ sơ điện tử mà không phải nộp thêm bộ hồ sơ giấy như hiện nay...

Quy định về DN nhà nước, Luật sửa đổi khái niệm DN nhà nước theo nguyên tắc phân chia các loại DN có sở hữu nhà nước theo mức độ sở hữu khác nhau, mỗi loại hình DN có quy định về tổ chức quản trị phù hợp để nâng cao hiệu lực quản trị, công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình, bảo đảm bình đẳng với DN thuộc các thành phần kinh tế khác.

Khung khổ pháp lý về quản trị DN thay đổi theo chuẩn mực quản trị quốc tế. Theo đó, mở rộng mức độ, phạm vi quyền của cổ đông nhằm tạo điều kiện thuận lợi để cổ đông bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình và khởi kiện trong trường hợp người quản lý lạm dụng địa vị, quyền hạn gây thiệt hại cho công ty và cổ đông; mở rộng quyền tiếp cận thông tin của cổ đông về tình hình hoạt động của công ty; tạo thuận lợi hơn cho cổ đông thực hiện quyền khởi kiện người quản lý...

Về quyền của cổ đông phổ thông, Điều 115, Luật DN (sửa đổi) quy định, cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 5% tổng số cổ phần phổ thông trở lên có quyền xem xét, tra cứu và trích lục sổ biên bản và các nghị quyết, quyết định của HĐQT, báo cáo tài chính, yêu cầu triệu tập họp đại đội đồng cổ đông trong một số trường hợp... Luật cũng bãi bỏ quy định về thời gian sở hữu “ít nhất 6 tháng liên tục”. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc bãi bỏ quy định này nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp của cổ đông. Bởi thực tế, nhiều trường hợp nhà đầu tư đã mua lượng cổ phần rất lớn trong DN, nhưng do chưa đáp ứng được quy định về thời gian sở hữu ít nhất 6 tháng liên tục, nên không thực hiện được quyền và lợi ích chính đáng của mình…

Tại phiên thảo luận về Dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, nhiều đại biểu cho rằng, Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đã đáp ứng được yêu cầu tạo môi trường kinh doanh thông thoáng hơn, đảm bảo sự đồng bộ, rõ ràng hơn trong các quy định, sửa nhiều điều tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động. Những sửa đổi, bổ sung đã khắc phục được cơ bản những bất cập, khiếm khuyết của Luật hiện hành, phù hợp với thực tiễn, giảm bớt gánh nặng chi phí, thời gian cho doanh nghiệp trong việc tuân thủ quy định của Luật.