CHƯƠNG TRÌNH AUSTRALIA HỖ TRỢ CẢI CÁCH KINH TẾ VIỆT NAM (Aus4Reform)

26/11/2019

Tác động đáng kể của CPTPP tới tương lai thị trường phân phối, thương mại điện tử, logistics Việt Nam

Phân phối – thương mại điện tử - logistics là những lĩnh vực có nhiều cam kết đáng chú ý trong CPTPP theo hướng mở cửa thị trường của Việt Nam cao hơn cam kết WTO đặt ra giới hạn đối với quản lý Nhà nước, bảo đảm cạnh tranh và minh bạch của thị trường.

Tác động đáng kể của CPTPP tới tương lai thị trường phân phối, thương mại điện tử, logistics Việt Nam

Phân phối – thương mại điện tử - logistics là những lĩnh vực có nhiều cam kết đáng chú ý trong CPTPP theo hướng mở cửa thị trường của Việt Nam cao hơn cam kết WTO đặt ra giới hạn đối với quản lý Nhà nước, bảo đảm cạnh tranh và minh bạch của thị trường.

Đây là quan điểm được đưa ra tại Hội thảo “Ngành phân phối - Thương mại điện tử - Logictics Việt Nam trước Cơ hội và Thách thức từ CPTPP” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong khuôn khổ Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform) tổ chức vào chiều ngày 25/11/2019 tại Hà Nội.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập VCCI, với CPTPP, tác động chính sách là không đáng kể, mà chỉ tạo ra sự ổn định hơn và có thể dự đoán trước. Tuy nhiên, tác động gián tiếp từ thực thi CPTPP sẽ tạo ra nhiều cơ hội phát triển cho doanh nghiệp trong hội nhập. CPTPP giúp môi trường được minh bạch thuận lợi an toàn hơn và thị trường hấp dẫn hơn.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập VCCI, phát biểu tại Hội thảo
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập VCCI, phát biểu tại Hội thảo

Nhóm cam kết trong CPTPP sẽ giúp 3 phân ngành phân phối, thương mại điện tử và logistics phát triển. Đơn cử như cam kết về loại bỏ thuế quan và hàng rào phi thuế quan sẽ tạo điều kiện gia tăng nguồn cung hàng hóa cho phân phối, thương mại và tăng cầu cho dịch vụ logistics. Cam kết về hải quan sẽ tạo thuận lợi thương mại, các biện pháp phi thuế tạo cơ hội giảm chi phí kinh doanh. Còn cam kết về mở cửa thị trường các dịch vụ phục vụ sản xuất (như tài chính, viễn thông...) tạo cơ hội giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp.

Với ngành phân phối, đặc biệt là thị trường bán lẻ đang đứng trước nhiều cơ hội để phát triển nhờ các cam kết trong CPTPP nói riêng và hội nhập nói chung. Vì thế, cơ hội của ngành này là gia tăng quy mô thị trường nhờ tăng trưởng GDP và thu nhập của người dân. Theo Ngân hàng Thế giới, CPTPP sẽ giúp tăng GDP của Việt Nam thêm 1,1-3,5%. Ngoài ra, CPTPP còn giúp tăng nguồn cung hàng hóa cho ngành phân phối, bán lẻ từ các cam kết về thương mại hàng hóa.

Bên cạnh đó, CPTPP còn là cơ hội gia tăng hoạt động thương mại điện tử, đặc biệt là thương mại điện tử qua biên giới. Bởi các cam kết tại đây sẽ tạo ra khung khổ pháp lý an toàn, ổn định và có thể dự đoán được, làm tiền đề thúc đẩy thương mại điện tử.

Song song với những cơ hội, thì thách thức từ CPTPP đối với các ngành phân phối, logistics ở Việt Nam cũng không hề nhỏ (các cam kết CPTPP hầu như không tạo ra thách thức hay khó khăn nào cho thương mại điện tử ở Việt Nam), thể hiện ở sức ép cạnh tranh ngày càng gay gắt từ các đối thủ từ nước ngoài.

Ví dụ, liên quan đến ngành phân phối, trong CPTPP, Việt Nam cam kết bỏ hoàn toàn yêu cầu ENT đối với cơ sở bán lẻ của nhà phân phối có vốn đầu tư CPTPP từ ngày 14/1/2014, tức là sau 5 năm CPTPP có hiệu lực  tại Việt Nam. Trong khi đó, các thành viên của CPTPP có nhiều đối thủ rất mạnh về phân phối. Cạnh tranh của các nhà phân phối Việt Nam ngay trên thị trường nội địa vốn đã căng thẳng, và dự báo sẽ còn gay gắt hơn nữa trong tương lai. Cạnh tranh này không chỉ về thị phần, mà còn cả về nguồn nhân lực, mặt bằng kinh doanh và nhiều yếu tố khác.

Hay trong ngành logistics,  trong bảng xếp hạng Chỉ số năng lực logistics năm 2018 của Ngân hàng Thế giới, thì các thành viên của CPTPP như Singapore xếp thứ 5, còn Nhật Bản, Canada, Australia thuộc top 20. Khi đó, với mức mở cửa mạnh về logistics trong CPTPP, sẽ tạo điều kiện cho các đối tác này mở rộng kinh doanh ở Việt Nam và cạnh tranh mạnh mẽ với doanh nghiệp Việt Nam.

Từ những phân tích này, các chuyên gia và doanh nghiệp tham gia hội thảo cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam không phải là nhóm duy nhất hưởng những lợi ích này nên phải có kế hoạch khắc phục những hạn chế, nâng cao năng lực cạnh tranh bằng việc cải thiện dịch vụ, ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường liên kết hợp tác…

Tài liệu Hội thảo:

Hội thảo Ngành phân phối - Thương mại điện tử - Logictics Việt Nam trước Cơ hội và Thách thức từ CPTPP