CHƯƠNG TRÌNH AUSTRALIA HỖ TRỢ CẢI CÁCH KINH TẾ VIỆT NAM (Aus4Reform)

10/7/2020

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm

Trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát mạnh, kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2020 chịu ảnh hưởng nặng nề. Tốc độ tăng GDP còn 3,82% trong quý I, và 0.36% trong quý II (so với cùng kỳ năm 2019). Tính chung 6 tháng đầu năm 2020, tốc độ tăng trưởng đạt 1,81%, thấp nhất trong vòng 12 năm trở lại đây.

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm

Trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát mạnh, kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2020 chịu ảnh hưởng nặng nề. Tốc độ tăng GDP còn 3,82% trong quý I, và 0.36% trong quý II (so với cùng kỳ năm 2019). Tính chung 6 tháng đầu năm 2020, tốc độ tăng trưởng đạt 1,81%, thấp nhất trong vòng 12 năm trở lại đây.

Đây là số liệu được đưa ra trong hội thảo “Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2020 - Tinh thần kiến tạo trong bối cảnh bình thường mới” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương phối hợp với Chương trình “Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam” (Aus4Reform) tổ chức vào sáng ngày 10 tháng 7 năm 2020.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp (CIEM) đại diện nhóm nghiên cứu nhận định, trong 6 tháng đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 và các biện pháp phòng chống đã kéo theo hệ lụy nghiêm trọng chưa từng thấy đối với nhiều ngành, hoạt động kinh tế (như du lịch, giao thông vận tải, thương mại, xuất nhập khẩu, đầu tư, tài chính...).

Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp (CIEM) phát biểu tại hội thảo
Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp (CIEM) phát biểu tại hội thảo

Nhiều tổ chức quốc tế đồng loạt hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020, với những đánh giá ở mức độ rất nghiêm trọng. Trong bối cảnh ấy, kinh tế Việt Nam cũng gặp khó khăn nghiêm trọng.

Suy giảm tăng trưởng diễn ra ở cả 3 khu vực kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2020. Lĩnh vực nông-lâm-thủy sản chỉ tăng 1,19% chủ yếu do tác động của dịch tả lợn châu Phi, xuất khẩu nông sản gặp khó khăn, phối hợp thiếu hiệu quả trong điều hành xuất khẩu gạo và tình trạng xâm nhập mặn.

Khu vực công nghiệp xây dựng tăng 2,98% trong 6 tháng đầu năm, đây là mức tăng thấp và chủ yếu do gián đoạn sản xuất dẫn đến giảm sản lượng, tăng chi phí đầu vào. Khu vực dịch vụ chỉ tăng 0,57%, đặc biệt du lịch suy giảm mạnh.

Khu vực doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do chịu ảnh hưởng trực tiếp của đại dịch ảnh hưởng đáng kể đến tình hình lao động, việc làm. Theo Tổng cục Thông kê, đến giữa tháng 4/2020, có gần 5 triệu lao động bị ảnh hưởng bởi dịch, thất nghiệp chung tăng lên 2,73% trong quý II.

Lạm phát bình quân 6 tháng đầu năm đạt 4,19% xuất phát từ việc các mặt hàng thiết yếu tăng cao.

Suy giảm hoạt động kinh tế cũng gắn liền với suy giảm tăng trưởng đầu tư. Trong 6 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 850,3 nghìn tỷ VND, tương đương 33% GDP và tăng 3,4% so với cùng kỳ. Vốn từ khu vực nhà nước tăng trưởng cao tới 7,4%. Vốn FDI đăng ký đạt 15,7 tỷ USD so lợi thế về chuyển biến nhanh môi trường đầu tư kinh doanh, các FTA mới và năng lực điều hành chính sách trong thời điểm thế giới nhiều bất định.

Toàn cảnh hội thảo
Toàn cảnh hội thảo

Dù có nhiều diễn biến và hệ lụy khó lường, đại dịch Covid-19 có thể mang lại một số cơ hội quan trọng, thậm chí có tính bước ngoặt đối với tiến trình phát triển của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Đơn cử như đại dịch Covid-19 thúc đẩy nhanh hơn sự dịch chuyển một phần chuỗi cung ứng toàn cầu và đi kèm với cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài cho Việt Nam. Đại dịch có tác động tích cực đến chính sách, nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, hạn chế các tác động bất lợi của sự đứt gãy chuỗi cung ứng trong tương lai.

Việc ứng phó tương đối hiệu quả của Việt Nam trước đại dịch Covid-19 đã gia tăng niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài vào môi trường kinh doanh, thể hiện ở lượng vốn FDI đăng ký đạt 15,7 tỷ USD.

Không ít các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã linh hoạt đổi mới sáng tạo, điều chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh, chuyển sang hướng tiếp cận “lưỡng dụng”: doanh nghiệp công nghệ tham gia sản xuất thiết bị y tế, hay doanh nghiệp may mặc sản xuất khẩu trang… Một ví dụ điển hình như Vingroup và Bkav triển khai sản xuất máy thở, thiết bị y tế phục vụ công tác phòng chống dịch,…

Một số ngành hàng, dịch vụ tiềm năng tiếp tục có cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn sau dịch. Chẳng hạn nhiều doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang nắm bắt tốt cơ hội để mạnh xuất khẩu vật tư y tế. Xuất khẩu gạo Việt Nam cũng tăng mạnh cả về lượng và giá, đặc biệt từ quý II.

Thông qua những chính sách, biện pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân trong đại dịch, Chính phủ Việt Nam đã tạo dựng được niềm tin của người dân, đặc biệt là trên phương diện điều hành gắn với mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch, vừa đảm bảo phát triển sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, trong thời gian tới, Việt Nam cần tiếp tục tập trung vào cải thiện nền tảng kinh tế vĩ mô và đổi mới hệ thống thể chế kinh tế theo hướng nâng cao khả năng chống chịu, tính tự cường của nền kinh tế xử lý hiệu quả những rủi ro.