CHƯƠNG TRÌNH AUSTRALIA HỖ TRỢ CẢI CÁCH KINH TẾ VIỆT NAM (Aus4Reform)

12/7/2019

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2019 có thể đạt mức 6,82%

Báo cáo của Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung Ương cho thấy GDP trong 6 tháng đầu năm của Việt Nam tăng 6,76%, cao hơn cùng kỳ giai đoạn 2011-2017. Kết quả này không cách xa mục tiêu tăng trưởng cả năm 2019 (6,8 – 7,0%).

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2019 có thể đạt mức 6,82%

Báo cáo của Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung Ương cho thấy GDP trong 6 tháng đầu năm của Việt Nam tăng 6,76%, cao hơn cùng kỳ giai đoạn 2011-2017. Kết quả này không cách xa mục tiêu tăng trưởng cả năm 2019 (6,8 – 7,0%).

Kết quả được công bố tại Hội Thảo “Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2019: Kết quả và Góc nhìn” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương trong khuôn khổ chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform) tổ chức.

Toàn cảnh hội thảo
Toàn cảnh hội thảo

Theo các chuyên gia, nửa đầu năm 2019 đã chứng kiến bối cảnh kinh tế thế giới có không ít bất định, căng thẳng, xung đột địa chính trị, chủ nghĩa cực đoan tiếp tục diễn biến phức tạp, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc đã và đang diễn ra hết sức khó lường, định hướng chính sách của một số nền kinh tế chủ chốt thay đổi rất nhanh. Là một nền kinh tế nhỏ, và mở cửa hội nhập sâu rộng, Việt Nam khó tránh khỏi những tác động gây ra từ những diễn biến đó. Song  Việt Nam vẫn bình tĩnh duy trì và ứng phó để phát triển hơn.

Bằng chứng là, trong 6 tháng đầu năm 2019, tăng trưởng các ngành kinh tế duy trì ổn định, dự báo tăng trưởng cả năm 2019 của Việt Nam có thể đạt 6,86%. Cụ thể, tăng trưởng kinh tế năm 2019 của Việt Nam có thể vượt mức chỉ tiêu 6,6-6,8% của Quốc hội đề ra; trong đó, tăng trưởng của các ngành kinh tế lần lượt là: nông lâm thủy sản đạt 3,02%, công nghiệp và xây dựng đạt 8,61%, dịch vụ đạt 6,84%. Lạm phát bình quân năm 2019 dự kiến ở mức khoảng 3,13% so với  kế hoạch đề ra làm kiểm soát dưới 4%.

“Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn ở mức tương đối cao so với các nước trong khu vực. Nền kinh tế Việt Nam tiếp tục đà mở rộng tăng trưởng, tuy nhiên tăng trưởng GDP tiềm năng vẫn giữ xu hướng giảm, phản ánh lo ngại về chất lượng tăng trưởng chưa được củng cố - đặc biệt khi Việt Nam lưu tâm hơn đến ứng phó với tác động bất lợi từ môi trường kinh tế bên ngoài”, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Kinh tế vĩ mô (CIEM) cho biết.

ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Kinh tế vĩ mô (CIEM) phát biểu tại hội thảo
Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Kinh tế vĩ mô (CIEM) phát biểu tại hội thảo

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng cho biết, kinh tế vĩ mô trong 6 tháng cuối năm có thể chịu ảnh hưởng của một số yếu tố, trong đó đáng lưu ý là dù kỳ vọng nhiều vào việc phê chuẩn EVFTA, Việt Nam cũng cần lưu ý rằng EU đang rất bận với chương trình nghị sự về thương mại (liên quan đến Brexit, đàm phán thương mại với Mỹ).

Xuất nhập khẩu vẫn tăng trưởng, tuy nhiên xuất khẩu vào thị trường CPTPP chưa khởi sắc như kỳ vọng.  “Cuối năm ngoái, chúng ta nói nhiều về CPTPP, nhưng các chính sách, biểu thuế ban hành còn chậm. Nếu không có sự thay đổi cách làm thì Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) cũng sẽ được tận dụng chậm như CPTPP. Do vậy, cần nhanh chóng thực hiện các nhiệm vụ liên quan CPTPP”, ông Dương nói.

Cũng theo báo cáo, sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp có phần rõ nét hơn. Tình hình việc làm có cải thiện trong quý 2. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong toàn nền kinh tế ước tính là 55,5 triệu người, tăng 335,1 ngàn người so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, đánh giá về mức độ sẵn sàng cho nền sản xuất tương lai, Việt Nam xếp hạng 70/100 về nguồn nhân lực và 81/100 về lao động có chuyên môn cao, và chưa sẵn sàng cho cuộc CMCN 4.0. Theo đó, Việt Nam cần xây dựng và thực thi hữu hiệu hơn các chính sách thị trường lao động chủ động, cũng như giải pháp đào tạo nhân lực, giáo dục nghề nghiệp.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 2,65% và 2,64% trong quý II và 6 tháng đầu năm. Đặc biệt, lạm phát cơ bản bình quân trong 3 tháng đầu năm và 6 tháng đầu năm đều cao hơn hẳn so với các năm 2017-2018, đòi hỏi Việt Nam phải tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ một cách thận trọng.

Mặt bằng lãi suất tương đối ổn định trong quý II, ít nhiều phản ánh nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước trong việc bảo đảm thanh khoản cho hệ thống các ngân hàng thương mại.

Tính đến thời điểm cuối quý II, tín dụng tăng 4,07% so với cuối quý I và 7,33% so với cuối năm 2018. Khả năng nới chỉ tiêu tín dụng cả năm 2019 là khá thấp, do tỷ lệ tín dụng trên GDP hiện đã ở mức cao. Ngân hàng Nhà nước cần tạo áp lực đủ tin cậy cho các Ngân hàng thương mại củng cố an toàn vốn, và việc nới chỉ tiêu tín dụng có thể khiến cơ chế thưởng tín dụng hiện nay mất ý nghĩa… CIEM dự báo, tỷ giá trung tâm chủ yếu giữ xu hướng tăng trong quý 2.

Trong bối cảnh thế giới bất định, Việt Nam cần tích lũy thêm kinh nghiệm và bình tĩnh hơn để ứng phó với tác động bất lợi từ diễn biến kinh tế thế giới, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô. Và  Aus4Reform vẫn sẽ tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam trong quá trình này.