CHƯƠNG TRÌNH AUSTRALIA HỖ TRỢ CẢI CÁCH KINH TẾ VIỆT NAM (Aus4Reform)

26/11/2021

Thủ tục hành chính trong xây dựng gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp

Thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng và các lĩnh vực liên quan vẫn còn nhiều khó khăn đối với doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm thủ tục liên quan đến thẩm quyền của cơ quan nhà nước có nhiều cấp chính quyền khác nhau.

Thủ tục hành chính trong xây dựng gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp

Thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng và các lĩnh vực liên quan vẫn còn nhiều khó khăn đối với doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm thủ tục liên quan đến thẩm quyền của cơ quan nhà nước có nhiều cấp chính quyền khác nhau.

Đây là ý kiến được đưa ra tại sự kiện Đối thoại doanh nghiệp “Cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư xây dựng và lĩnh vực liên quan - Giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp và phục hồi nền kinh tế” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức vào sáng ngày 26/11.

Tại sự kiện, VCCI đã công bố báo cáo “Thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư – đất đai – xây dựng – môi trường: Một số kết quả từ khảo sát doanh nghiệp”. Báo cáo được thực hiện với sự hỗ trợ của chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform).

Ảnh bìa báo cáo
Ảnh bìa báo cáo

Đại diện cho nhóm nghiên cứu,  ông Đậu Anh Tuấn - trưởng ban pháp chế VCCI - đánh giá đây là nhóm thủ tục khó khăn hàng đầu với nhà đầu tư.

Ông Tuấn nói khảo sát ý kiến khoảng 10.200 doanh nghiệp có tham gia hoạt động xây dựng trong 2 năm qua của VCCI cho thấy bức tranh chung đáng suy nghĩ là tỉ lệ doanh nghiệp cho biết gặp khó khăn thực hiện thủ tục còn cao.

Có hơn 50% doanh nghiệp gặp khó khăn khi làm thủ tục đất đai đầu tư, hơn 40% gặp khó khăn khi làm thủ tục cấp phép xây dựng, quy hoạch đô thị. Trung bình 1 doanh nghiệp cần 3 lần đến cơ quan quản lý nhà nước để thực hiện các thủ tục về cấp giấy phép xây dựng, cá biệt có doanh nghiệp mất từ 8-9 lần, nếu quá trình cải cách làm cho thủ tục cấp phép xây dựng đơn giản hơn, doanh nghiệp sẽ đỡ vất vả.

Về thời gian làm thủ tục thì doanh nghiệp mất 23,93 ngày để làm thủ tục cấp phép xây dựng, đây là thời gian cấp phép trên thực tế, chứ không phải thống kê trên hệ thống.

Ông Đậu Anh Tuấn trình bày báo cáo.
Ông Đậu Anh Tuấn trình bày báo cáo.

Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhận định, qua nghiên cứu, đánh giá và ghi nhận ý kiến phản hồi từ các doanh nghiệp, nhóm nghiên cứu đã tổng quát và nhận diện rõ ràng những vướng mắc lớn nhất hiện nay trong lĩnh vực đầu tư xây dựng. Phức tạp nhất là các thủ tục về đất đai, về giải phóng mặt bằng. Sau nữa là việc thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường. Cuối cùng là thẩm định thiết kế xây dựng. Với nhiều vấn đề được đặt ra, báo cáo cũng xếp loại theo mức độ khó khăn từ thực tiễn của doanh nghiệp.

Báo cáo cũng đưa ra một góc nhìn cho thấy sự khác biệt giữa doanh nghiệp  có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) so sánh với doanh nghiệp tư nhân trong nước về cách chọn lựa địa điểm đầu tư, các quy định pháp lý và cách đối xử của chính quyền địa phương... Theo đó, mặc dù đối với các doanh nghiệp tư nhân trong nước việc nhận quyết định chủ trương đầu tư còn rất khó khăn nhưng đối với các doanh nghiệp FDI lại không phải vấn đề quá lớn.

Vấn đề thủ tục về đất đai và giải phóng mặt bằng đối với các doanh nghiệp nước ngoài thường hay chọn vào trong khu công nghiệp. Với những khoảng cách khác biệt giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI được nêu trong báo cáo của nhóm nghiên cứu, chính là cơ sở để các đại biểu, các diễn giả và doanh nghiệp cùng thảo luận và đánh giá  nhằm tìm ra những giải pháp hữu hiệu, cải thiện chính sách và góp phần hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp sớm phục hồi sản xuất kinh doanh trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Tài liệu Hội thảo: Bài trình bày của ông Đậu Anh Tuấn - VCCI