CHƯƠNG TRÌNH AUSTRALIA HỖ TRỢ CẢI CÁCH KINH TẾ VIỆT NAM (Aus4Reform)

29/6/2018

Ba đòn bẩy chính cho Quốc gia số

Ba đòn bẩy chính cho Quốc gia số, đó là nguồn nhân lực số; môi trường đầu tư công nghệ cởi mở, hợp tác; và chính sách thuế.

Ba đòn bẩy chính cho Quốc gia số

Ba đòn bẩy chính cho Quốc gia số, đó là nguồn nhân lực số; môi trường đầu tư công nghệ cởi mở, hợp tác; và chính sách thuế.

 

Ông Konstantin Matthies, Chuyên gia Kinh tế vi mô, Giám đốc Đối ngoại AlphaBeta.
Ông Konstantin Matthies, Chuyên gia Kinh tế vi mô, Giám đốc Đối ngoại AlphaBeta.

Đó là chia sẻ của ông Konstantin Matthies, Chuyên gia Kinh tế vi mô, Giám đốc Đối ngoại AlphaBeta tại Hội thảo “Quốc gia số: Các đòn bẩy chính sách cho đầu tư và tăng trưởng” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương phối hợp với Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Refrom) tổ chức vừa qua tại Hà Nội.

Về nguồn nhân lực số, điều quan trọng là các nhà hoạch định chính sách nên có định hướng để chuyển đổi từ tư duy về nghề nghiệp sang tư duy về kỹ năng. Trong nền kinh tế số, kỹ năng nghề nghiệp không chỉ giới hạn trong một nghề nghiệp nào đó nhất định mà còn có thể áp dụng đối với các nghề nghiệp khác.

Với nghiên cứu của AlphaBeta, một người được đào tạo cho một nghề nào đó, họ thực chất đã nắm được các kỹ năng cần thiết của trung bình 13 nghề nghiệp khác. Thế nhưng, nếu chỉ nghĩ về nghề nghiệp hoặc ngành nhất định, hầu hết mọi người sẽ chỉ cân nhắc một phần trong số các công việc đó.

Bằng chứng từ Ấn Độ cho thấy rằng, việc có các kỹ năng số có thể giúp tăng thu nhập trung bình lên tới 30%, áp dụng cho tất cả các ngành. “Với những thành công to lớn mà Việt Nam đã đạt được trong giáo dục những năm qua, việc phát triển tư duy về kỹ năng và thị trường lao động có vẻ là bước tiếp theo cần phải làm” – ông Konstantin Matthies nhấn mạnh.

Về môi trường đầu tư, các nước có thể tận dụng các công ty đa quốc gia trong việc định hướng và chuyển giao công nghệ, hoặc kêu gọi họ trở thành “người đỡ đầu”. Các công ty này có năng lực để đầu tư vào cơ sở hạ tầng, nhân tài và doanh nghiệp khởi nghiệp trong nước và có thể gửi tín hiệu tới các nhà đầu tư rằng thị trường đã sẵn sàng cho giai đoạn phát triển số tiếp theo.

“Môi trường đầu tư công nghệ cũng cần có tính cởi mở hợp tác, hỗ trợ cho doanh nghiệp để họ yên tâm đầu tư, điều đó sẽ giúp cho hệ sinh thái phát triển. Đây là điều hết sức quan trọng để hỗ trợ và thúc đẩy chuyển giao công nghệ và trao đổi thông tin” – ông Konstantin Matthies cho biết.

Về chính sách thuế, sự thống nhất và minh bạch là vấn đề cốt lõi và quan trọng hơn rất nhiều so với tỷ lệ thuế suất. Những thay đổi đột ngột về loại thuế hay thuế suất sẽ làm nản lòng các nhà đầu tư bởi nó mang lại sự khó đoán và những rủi ro cho doanh nghiệp trong việc xây dựng chiến lược kinh doanh.

“Những chính sách thuế như vậy sẽ không thể thu hút các doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài và thậm chí có thể khiến các doanh nghiệp trong nước phải thành lập doanh nghiệp ở các quốc gia khác” - Giám đốc AlphaBeta cho biết.

Điều quan trọng là chính phủ cần hiểu được những tác động của các quy định thương mại đối với môi trường đầu tư và năng lực của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong việc tận dụng các cơ hội thương mại mà nền kinh tế số mang lại. Những quốc gia được các nhà đầu tư ưa thích nhất đều xây dựng những hệ thống pháp luật theo hướng cố gắng giảm thiểu các rào cản đối với thương mại số.

Theo Báo Diễn Đàn Doanh Nghiệp