CHƯƠNG TRÌNH AUSTRALIA HỖ TRỢ CẢI CÁCH KINH TẾ VIỆT NAM (Aus4Reform)

24/5/2018

Cải cách điều kiện kinh doanh cần theo hướng thực chất

Đây là ý kiến được đề cập tại Hội nghị “Triển khai Nghị quyết 19-2018 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tổ chức tại Hà Nội, ngày 24-5.

Cải cách điều kiện kinh doanh cần theo hướng thực chất

Đây là ý kiến được đề cập tại Hội nghị “Triển khai Nghị quyết 19-2018 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tổ chức tại Hà Nội, ngày 24-5.

Đây là năm thứ 5 liên tiếp Chính phủ ban hành Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Thông tin tại hội nghị cho thấy, sau 4 năm thực hiện các Nghị quyết 19 của Chính phủ, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam liên tục được cải thiện. Năm 2017, năng lực cạnh tranh quốc gia tăng 5 bậc so với năm 2016, môi trường kinh doanh tăng 14 bậc… Tuy nhiên, những cải thiện về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh vẫn còn thấp so với mục tiêu đề ra. Thứ hạng của nhiều chỉ số còn thấp khá xa so với nhiều nước trong khu vực. Một số ngành, lĩnh vực, địa phương còn chưa thực sự chủ động, quyết liệt và kết quả đạt được còn hạn chế trong thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh…

 

Quang cảnh hội nghị.

Theo Nghị quyết này, trong năm nay, các chỉ số môi trường kinh doanh cần được cải thiện thêm từ 8 đến 18 bậc trên bảng xếp hạng của Ngân hàng Thế giới; trong đó cải thiện mạnh mẽ các chỉ số hiện đang bị xếp hạng thấp. Đến năm 2020, chất lượng môi trường kinh doanh Việt Nam ngang hàng với trung bình của các nước ASEAN 4. Trong đó, một trong những nhiệm vụ cụ thể là hoàn thành việc bãi bỏ, đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư, kinh doanh; kiến nghị bãi bỏ một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư; giảm ít nhất 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm phải kiểm tra chuyên ngành; chuyển đổi mạnh mẽ cách thức quản lý nhà nước từ chủ yếu tiền kiểm sang chủ yếu hậu kiểm. Trong xuất nhập khẩu, giảm tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan từ 25% - 27% hiện nay xuống còn dưới 10%.

Nghị quyết cũng lần đầu tiên bổ sung thêm mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh ngành logistics và ngành du lịch để tạo thuận lợi và giảm chi phí kinh doanh, hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu ngành kinh tế.

Chia sẻ tại hội nghị, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM nhấn mạnh, một trong những điểm trọng tâm của Nghị quyết 19 là Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành hoàn thành việc bãi bỏ, đơn giản hóa 50% ĐKKD thuộc các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, trong năm 2018. Tuy nhiên, đối với yêu cầu này có thể thấy, hiện nay tốc độ thực hiện còn tương đối chậm, bởi hiện mới chỉ có 1 bộ (Bộ Công thương) đã ban hành nghị định về cắt giảm các ĐKKD, các bộ, ngành khác vẫn đang trong quá trình thực hiện.  Mặt khác, quan trọng hơn, qua rà soát những phương án cắt giảm, đơn giản hóa các ĐKKD mà nhiều bộ, ngành đề xuất chúng tôi nhận thấy, nhiều ĐKKD của nhiều bộ, ngành đề xuất bãi bỏ, đơn giản hóa chưa thực chất (tức là vẫn còn tình trạng gộp nhiều ĐKKD trong một ĐKKD hay chỉ là thao tác gạch một vài từ, cụm từ trong ĐKKD …). Vì vậy, giám sát việc thực hiện yêu cầu cắt giảm, đơn giản hóa 50% ĐKKD không chỉ ở số lượng mà quan trọng là chất lượng, thì mới thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho việc gia nhập thị trường của doanh nghiệp.

Đồng tình với quan điểm này, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế của Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam cũng nhấn mạnh, cải cách ĐKKD cần theo hướng thực chất, cần tránh tình trạng đưa ra phương án cắt giảm cho có, mang tính đối phó, không thực chất. Theo đó ông Tuấn nêu giải pháp, trong nội bộ từng bộ, đề nghị các bộ trưởng không giao cho các vụ, cục đang thực hiện nhiệm vụ cấp phép lại là cơ quan chủ trì soạn thảo phương án hay chủ trì soạn thảo các nghị định, thông tư cải cách cấp phép này. “Quy định cải cách cần giao cho các bộ phận độc lập, chịu trách nhiệm trước bộ trưởng và chủ động tham vấn những vấn đề chuyên môn của các cơ quan khác”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Theo Quân đội Nhân Dân