CHƯƠNG TRÌNH AUSTRALIA HỖ TRỢ CẢI CÁCH KINH TẾ VIỆT NAM (Aus4Reform)

17/10/2018

Duy trì đà tăng trưởng không khó, quan trọng là sự bền vững

"Duy trì đà tăng trưởng cao trong 4 đến 8 quý tới là không quá khó. Nhưng vấn đề là tính bền vững sau đó," ông Nguyễn Anh Dương (Trưởng ban Ban Chính sách vĩ mô - CIEM) phát biểu.

Duy trì đà tăng trưởng không khó, quan trọng là sự bền vững

"Duy trì đà tăng trưởng cao trong 4 đến 8 quý tới là không quá khó. Nhưng vấn đề là tính bền vững sau đó," ông Nguyễn Anh Dương (Trưởng ban Ban Chính sách vĩ mô - CIEM) phát biểu.

 

Áp lực thực hiện mục tiêu tăng trưởng giảm đáng kể

Tại Hội thảo “Kinh tế Việt Nam: Tiếp tục khơi dòng cải cách và củng cố niềm tin đầu tư”, do Chương trình Australia Hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform), Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức ngày 17/10/2018, CIEM đã công bố Báo cáo kinh tế vĩ mô quý III/2018

 

Ảnh toàn cảnh hội thảo

Báo cáo của CIEM nhận định: giai đoạn 9 tháng đầu năm đã giúp hình dung tốt hơn về bối cảnh và kết quả phát triển kinh tế - xã hội cả năm 2018. Theo đó, tăng trưởng kinh tế không suy giảm liên tục qua các quý như trước đây đã lo ngại. Các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản diễn biến tích cực.

Việt Nam bước vào quý III với những kỳ vọng và lo ngại đan xen nhưng đã đạt được kết quả tốt và đã đạt được mức tăng trưởng 6,88% so với cùng kỳ. Tăng trưởng không giảm dần theo các quý như những tháng đầu năm mọi người đều lo ngại.

Xuất khẩu và giải ngân đầu tư nước ngoài tăng khá ổn định, giúp bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Dù có lo ngại về rủi ro lạm phát tại một số thời điểm, nhưng Báo cáo cho rằng mục tiêu lạm phát năm 2018 (bình quân 4%) có khả năng đạt được.

 “Quan trọng hơn, Việt Nam bước đầu đã thể hiện được năng lực ứng phó với các biến động bất lợi (về tỷ giá, lãi suất,...) từ thị trường thế giới truyền tải qua các kênh hội nhập kinh tế quốc tế”, ông Nguyễn Anh Dương (Trưởng ban Ban Chính sách vĩ mô - CIEM) phát biểu.

Những chuyển biến ấy càng đáng lưu tâm hơn khi bối cảnh điều hành hiện tại (áp lực lạm phát trong nước và rủi ro suy giảm tổng cầu của kinh tế thế giới) khá giống – dù ở mức độ thấp hơn – so với giai đoạn cuối quý III, đầu quý IV năm 2008, theo ông Dương.

Các ý kiến phát biểu tại Hội thảo cho rằng tăng trưởng kinh tế cao trong 3 quý đầu năm giúp giảm đáng kể áp lực thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong các tháng cuối năm. Duy trì đà tăng trưởng cao trong 4 đến 8 quý tới là không quá khó. “Nhưng vấn đề là tính bền vững sau đó”, ông Dương nhấn mạnh.

 

Tăng trưởng GDP các giai đoạn (%)

 

Thách thức điều hành kinh tế vĩ mô

Các phân tích sâu cả về định tính và định lượng cho thấy, dù đạt được mức tăng trưởng cao nhưng vẫn chưa trở lại quỹ đạo tăng trưởng cao từng đạt được trong giai đoạn 1990 - 2006. Bên cạnh đó, dù tăng trưởng cao nhưng trong bối cảnh thương mại và thị trường thế giới có nhiều biến động lớn khiến điều hành kinh tế vĩ mô của Việt Nam gặp không ít thách thức.  

Đó là căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc còn diễn biến khó lường; Thị trường tài chính thế giới nói chung và các thị trường mới nổi trở nên dễ bị tổn thương hơn trước xu hướng gia tăng bảo hộ và biến động của dòng vốn đầu tư; Các nền kinh tế chủ chốt chưa công khai can thiệp trực tiếp vào chính sách tỷ giá. 

Các chuyên gia ghi nhận kết quả đạt được trong 3 quý vừa qua là nhờ ở những giải pháp phát triển kinh tế xã - hội đã được thực hiện khá tốt, tái cơ cấu nền kinh tế được thúc đẩy, môi trường kinh doanh được cải thiện đáng kể…

Đặc biệt, Chính phủ nhấn mạnh yêu cầu củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, nhằm tạo thêm dư địa chính sách và cải thiện khả năng chống chịu trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều biến động. Song song là những nỗ lực vận động, thúc đẩy phê chuẩn các hiệp định thương mại tự do quan trọng và khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân.

Nhưng theo các chuyên gia, tái cơ cấu và cải thiện môi trường kinh doanh trong quý III đã không còn là hành động nổi bật. Trong bối cảnh này, cam kết ổn định kinh tế vĩ mô và tái cơ cấu kinh tế của Chính phủ là cần thiết, song không đủ.

“Vấn đề là làm thế nào để thúc đẩy thêm sự chuyển biến về chất chứ không chỉ về lượng. Mà chất lượng tăng trưởng phụ thuộc vào tái cơ cấu kinh tế”, TS.Lưu Bích Hồ - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển lưu ý.  

Còn TS.Lê Đình Ân – nguyên Giám đốc Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế xã hội Quốc gia cho rằng, chất lượng tăng trưởng thay đổi chưa đáng kể, xuất khẩu vẫn phụ thuộc vào FDI, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư vẫn rất thấp.  

Bên cạnh đó, các chuyên gia tại Hội thảo đã thảo luận một số kiến nghị về cải cách nền tảng kinh tế vi mô, song song với các biện pháp kinh tế vĩ mô và một số biện pháp liên quan như chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, chính sách giá cả, tiền lương, chính sách FDI.

Một lần nữa, thông điệp về việc ưu tiên chính sách cần tiếp tục tập trung vào cải thiện nền tảng kinh tế vi mô và đổi mới hệ thống thể chế kinh tế theo hướng thân thiện hơn với sáng tạo và môi trường, gắn với xử lý hiệu quả những rủi ro trong môi trường kinh tế quốc tế đầy biến động lại được đưa ra. 

Theo Thời báo Ngân hàng