CHƯƠNG TRÌNH AUSTRALIA HỖ TRỢ CẢI CÁCH KINH TẾ VIỆT NAM (Aus4Reform)

29/6/2018

GDP Việt Nam có thể tăng thêm 5 tỷ USD từ tăng trưởng internet di động

QĐND Online – Sáng 29-6, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức hội thảo: Quốc gia số-các đòn bẩy chính sách cho đầu tư và tăng trưởng.

GDP Việt Nam có thể tăng thêm 5 tỷ USD từ tăng trưởng internet di động

QĐND Online – Sáng 29-6, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức hội thảo: Quốc gia số-các đòn bẩy chính sách cho đầu tư và tăng trưởng.

Hội thảo là dịp để chia sẻ kết quả nghiên cứu về quốc gia số, các thông điệp và bài học chính sách cho các nhà hoạch định chính sách cũng như trao đổi, thảo luận các vấn đề liên quan đến kinh tế số và đề xuất kiến nghị chính sách cho Việt Nam.

Theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, các nước Châu Á- Thái Bình Dương đều đang hưởng lợi từ tốc độ số hóa nhanh chóng trong hoạt động kinh doanh, tăng năng suất và tăng trưởng. Tuy nhiên, có những nước được lợi nhiều hơn các nước khác vì nền kinh tế của họ số hóa tốt hơn. Nhiều quốc gia đang chuyển dịch từ hưởng lợi thụ động sang chủ động khai thác và tận dụng các lợi ích nền kinh tế số, và họ đang trở thành quốc gia số.

Theo ông Konstantin Matthies, chuyên gia kinh tế vi mô, Giám đốc đối ngoại của văn phòng AlphaBeta tại Singapore, nền kinh tế số mang đến nhiều cơ hội to lớn cho Việt Nam. Theo đó, doanh thu từ nền kinh tế ứng dụng của Việt Nam ước tính đạt 500 triệu USD vào năm 2015. Đáng chú ý, năm 2014, hơn 7% nhà xuất bản ứng dụng hàng đầu tại các thị trường ứng dụng lớn nhất tại châu Á đến từ Việt Nam; số lượng điện thoại thông minh tại Việt Nam ước tăng từ 28 triệu lên 38 triệu vào năm 2020; GDP có thể tăng thêm 5 tỷ USD từ tăng trưởng của thị trường internet di động giai đoạn 2015-2020.  

 

 

Ông Konstantin Matthies chia sẻ kinh nghiệm tại hội thảo.
Ông Konstantin Matthies chia sẻ kinh nghiệm tại hội thảo.

Rõ ràng, cơ hội để Việt Nam trở thành quốc gia số không nhỏ. Tuy vậy, theo đánh giá, hiện nay Việt Nam vẫn chưa thực sự chủ động thúc đẩy nền kinh tế số mà mới ở ngưỡng “tiếp nhận thụ động Cách mạng Công nghiệp 4.0”, chưa thực sự giữ chân và khuyến khích công ty đa quốc gia, chưa thử nghiệm các phương thức tiếp cận mới để khuyến khích doanh nghiệp phát triển sản phẩm mới... Hiện, mức hiện diện vốn đầu tư mạo hiểm giai đoạn 2016- 2017 của Việt Nam xếp hạng 10/11 nước theo Thẻ điểm Quốc gia số của AlphaBeta, trong đó có các nước Singapore, Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan...; số công ty công nghệ khởi nghiệp trên triệu dân xếp hạng 8/11; thị giá của 3 doanh nghiệp công nghệ đứng đầu trên sàn chứng khoán nội địa xếp hạng 11/11...

Do vậy, để nắm bắt được cơ hội mà nền kinh tế số mang lại, các chuyên gia cho rằng Việt Nam phải cải thiện các chỉ số trên. Bên cạnh đó, phải chủ động thúc đẩy nền kinh tế số phát triển. Muốn vậy, cần dịch chuyển từ tư duy về nghề nghiệp sang tư duy về kỹ năng để cải thiện sự linh hoạt của lực lượng lao động. Bên cạnh đó, cần tận dụng các công ty đa quốc gia như những nhà định hướng giúp tăng cường đầu tư và vốn tài chính cho khởi nghiệp. Đặc biệt, phải bảo đảm tính thống nhất của các chính sách thuế, điều này được đánh giá quan trọng hơn cả mức thuế...

Theo Quân đội nhân dân