CHƯƠNG TRÌNH AUSTRALIA HỖ TRỢ CẢI CÁCH KINH TẾ VIỆT NAM (Aus4Reform)

6/7/2018

Không thể trì hoãn cải cách độc quyền Nhà nước trong các ngành công nghiệp mạng lưới

Ngày 6-7, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Chương trình Aus4Reform (Aus4Reform) tổ chức Hội thảo khoa học "Cải cách độc quyền Nhà nước trong các ngành công nghiệp mạng lưới".

Không thể trì hoãn cải cách độc quyền Nhà nước trong các ngành công nghiệp mạng lưới

Ngày 6-7, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Chương trình Aus4Reform (Aus4Reform) tổ chức Hội thảo khoa học "Cải cách độc quyền Nhà nước trong các ngành công nghiệp mạng lưới".

 

Hội thảo khoa học
Hội thảo khoa học "Cải cách độc quyền Nhà nước trong các ngành công nghiệp mạng lưới".

Hội thảo nằm trong khuôn khổ chương trình "Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam" (Chương trình Aus4Reform) do Chính phủ Australia tài trợ nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp mạng lưới ở Việt Nam.

Phát biểu tại hội thảo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM khẳng định, hiện Việt Nam đang đẩy mạnh thị trường cạnh tranh, giảm độc quyền Nhà nước, độc quyền tự nhiên trong các ngành và lĩnh vực có tác động lớn đối với nền kinh tế như điện, cấp nước và đặc biệt là giao thông. Tuy nhiên, dù đã có nhiều chính sách, quyết định song đến nay chúng ta vẫn chưa hoàn tất được chính sách cạnh tranh, loại bỏ độc quyền ở nhiều ngành then chốt. Điều này khiến cho thị trường méo mó, tính tự do cạnh tranh bị xâm hại khiến cho các động lực thay đổi không đạt được.

Trình bày báo cáo kết quả nghiên cứu "Cải cách độc quyền Nhà nước trong các ngành công nghiệp mạng lưới", TS Nguyễn Thị Luyến, Trưởng Ban Thể chế kinh tế CIEM cho biết, hệ thống cơ chế, chính sách nhằm hạn chế độc quyền kinh doanh, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh đã được ban hành khá đầy đủ, tạo cơ sở cho cải cách. Tuy nhiên, kết quả cải cách và hiện trạng độc quyền Nhà nước của mỗi ngành khác nhau.

TS Nguyễn Thị Luyến, Trưởng Ban Thể chế kinh tế CIEM trình bày báo cáo tại hội thảo.
TS Nguyễn Thị Luyến, Trưởng Ban Thể chế kinh tế CIEM trình bày báo cáo tại hội thảo.

Cụ thể, việc tách bạch vận hành hạ tầng với hoạt động hạ nguồn chưa thực hiện thực sự ở ngành đường sắt và điện. Lộ trình cải cách của từng ngành cũng đang ở những giai đoạn khác nhau: điện mở cửa một phần, vận tải đường sắt mới chỉ có những bước đi đầu tiên… Cụ thể, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam vẫn gần như độc quyền toàn bộ ngành đường sắt. Các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt chưa hoạt động độc lập theo đúng nghĩa với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.

“Với vị thế độc quyền, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thiếu động lực nâng cao chất lượng, giảm giá thành, dẫn đến thị phần giảm”, TS Nguyễn Thị Luyến phân tích.

Báo cáo nghiên cứu nhấn mạnh kiến nghị tiếp tục cải cách và lưu ý xác định khâu trọng tâm cần duy trì sở hữu Nhà nước; có cách thức quản lý, giám sát phù hợp, tránh chuyển từ độc quyền Nhà nước sang độc quyền doanh nghiệp.

Đối với từng ngành, các nghiên cứu viên CIEM cũng đã có kiến nghị riêng, như với ngành đường sắt, cần tiếp tục thực hiện tái cơ cấu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam; thành lập cơ quan độc lập quản lý hạ tầng đường sắt, có cơ chế tiếp cận, kết nối hạ tầng mạng đường sắt công bằng, bảo đảm cho các chủ tàu mới tham gia kinh doanh vận tải đường sắt cạnh tranh.

Chia sẻ tại Hội thảo, TS Nguyễn Đình Cung cho rằng: Qua 30 năm đổi mới, Việt Nam vẫn nói mãi chuyện đang chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường chỉ là cách để biện minh cho sự yếu kém.

“Tôi cho rằng, cách nói "đang chuyển đổi" này chỉ biện minh cho sự yếu kém của mình, cho việc trì hoãn thực hiện hoặc cố tình không muốn thực hiện. Tối đa khoảng 5 năm nữa, chúng ta phải chấm dứt việc nói và làm này để chấm dứt chu kỳ đang chuyển đổi, chuyển hẳn sang kinh tế thị trường", TS Cung nói.

Theo ông Cung, trong các quyết sách thời gian qua, chúng ta vẫn hay nói doanh nghiệp Nhà nước là vật chất chủ yếu để tăng cường vai trò chủ đạo của Nhà nước về kinh tế. Tuy nhiên, ông Cung cũng cho rằng khái niệm này rất khó đánh giá, chúng ta không đánh giá được thì rất khó có hành động đúng.

TS Nguyễn Đình Cung: Qua 30 năm đổi mới, Việt Nam vẫn nói mãi chuyện đang chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường chỉ là cách nói biện minh cho sự yếu kém.
TS Nguyễn Đình Cung: Qua 30 năm đổi mới, Việt Nam vẫn nói mãi chuyện đang chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường chỉ là cách nói biện minh cho sự yếu kém.

"Những khái niệm chúng ta cần dứt khoát, rõ ràng A ra A, B ra B, nếu không rõ ràng thì phải thay đổi, nếu không những khái niệm này sẽ phát sinh và kìm hãm sự yếu kém của chúng ta trong quá trình phát triển", ông Cung nhấn mạnh.

Khi tư duy lạc hậu thì thể chế kinh tế còn lạc hậu nữa, thể chế quyết định phát triển của đất nước. Nó có thể xuất phát từ độc quyền, do độc quyền. Đây là khái niệm độc quyền lợi ích Nhà nước, từ công chức Nhà nước, từ khi có quyền thì không có áp lực nào thay đổi, để thay đổi từ tư duy đến hành động.

Theo các chuyên gia tại hội nghị, hiện ngành công nghiệp mạng lưới yếu kém nhất là đường sắt. Mặc dù được thừa hưởng nhiều tiềm lực, có hệ thống, có cơ sở vật chất và ưu tiên của Nhà nước song đến nay đây là ngành có năng lực yếu nhất, không xứng đáng trong chuỗi phát triển của Việt Nam chứ chưa so sánh với nước ngoài.

Theo Nhân dân