CHƯƠNG TRÌNH AUSTRALIA HỖ TRỢ CẢI CÁCH KINH TẾ VIỆT NAM (Aus4Reform)

24/5/2018

Năm 2018 tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia

Ngày 24/5/2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị triển khai Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Năm 2018 tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia

Ngày 24/5/2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị triển khai Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

 

 

Toàn cảnh hội nghị

Tại Hội nghị, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 19 trong 4 năm (2014-2017) và nội dung cơ bản, những điểm mới và cách thức triển khai thực hiện Nghị quyết 19-2018, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, sau 4 năm triển khai thực hiện, đa phần các chỉ số có sự cải thiện về điểm DTF (điểm tuyệt đối) và thứ hạng. Trong đó, ba chỉ số gồm Tiếp cận điện năng, Bảo vệ nhà đầu tư và Nộp thuế có mức độ cải thiện tốt nhất. Đáng lưu ý, ba chỉ số gồm Đăng ký sở hữu và sử dụng tài sản, Giải quyết tranh chấp hợp đồng và Giải quyết phá sản doanh nghiệp không có cải thiện, giảm điểm và tụt hạng. Hai chỉ số gồm Khởi sự kinh doanh và Giải quyết phá sản doanh nghiệp đứng cuối bảng xếp hạng. Giao dịch thương mại qua biên giới có cải thiện, nhưng do từ năm 2015 phương pháp tính chỉ số này được điều chỉnh nên thứ hạng chỉ số này năm 2017 thấp hơn năm 2014.

Năm 2017, năng lực cạnh tranh quốc gia tăng 0,1 điểm và 5 bậc từ vị trí 60/138 lên vị trí 55/137. Kết quả này đạt được bởi 5/12 chỉ số trụ cột tăng điểm, 6/12 chỉ số trụ cột tăng bậc với 32/114 chỉ số thành phần vừa tăng điểm và tăng bậc, 24/114 chỉ số thành phần tăng hạng nhưng điểm số không đổi hoặc tăng điểm nhưng thứ hạng không đổi. Theo số liệu công bố tại Hội nghị, quý I/2018 đã có 738 điều kiện kinh doanh được cắt bỏ và đơn giản hóa nhưng 115 điều kiện kinh doanh được bổ sung.

Theo ông Nguyễn Đình Cung, những kết quả đạt được là do những chỉ đạo cụ thể, quyết liệt, nhất quán, thường xuyên và liên tục của Chính phủ, Thủ tướng chính phủ và các Phó Thủ tướng Chính phủ. Tình hình thực hiện Nghị quyết được thường xuyên theo dõi, có đánh giá khách quan, độc lập và định kỳ hằng quý báo cáo Chính phủ tại phiên họp thường kỳ. Từ năm 2017, việc thực hiện Nghị quyết có kết quả rõ nét, khác biệt so với trước và có tác động tích cực đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, niềm tin của doanh nghiệp, của thị trường tăng lên, chất lượng môi trường quốc gia và địa phương cải thiện hơn, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp tốt hơn và góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo.

Tuy nhiên, kết quả đạt được còn khá xa so với mục tiêu, đó là chưa đạt được trung bình ASEAN 4 về môi trường kinh doanh, số điều kiện kinh doanh thực sự được bãi bỏ cho đến nay còn thấp so với mục tiêu bãi bỏ ít nhất 50% số điều kiện kinh doanh hiện hành. Số hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành giảm chưa đáng kể so với mục tiêu là giảm ít nhất ½ Danh mục hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành. Cùng với đó, kết quả đạt được là không đồng đều, có chênh lệch khá lớn giữa các chỉ số, giữa các bộ, ngành và địa phương.

Để củng cố kết quả đạt được, tại Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP, Chính phủ tiếp tục đặt mục tiêu cao, cụ thể nhất có thể, cải cách mạnh mẽ hơn, kết quả đồng đều hơn, tác động thực chất và toàn diện hơn. Trong đó, các bộ nghiêm túc thực hiện cắt bỏ thực chất ít nhất 50% số điều kiện kinh doanh theo đúng yêu cầu về thời gian; Kiểm soát không phát sinh thêm các điều kiện kinh doanh mới; Phải xây dựng và thông qua phương án tổng thể cắt bỏ, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh…

Về chỉ số, Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP đặt mục tiêu tạo áp lực và kỷ luật hành chính mạnh mẽ hơn đối với các chỉ số mà thứ hạng và điểm số còn thấp, không cải thiện đáng kể trong mấy năm qua, nhất là Khởi sự kinh doanh, Đăng ký sở hữu và sử dụng tài sản, Giao dịch thương mại qua biên giới. Nâng cao năng lực cạnh tranh ngành du lịch để từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Nâng cao năng lực cạnh tranh ngành dịch vụ logistics để tạo thuận lợi và giảm chi phí kinh doanh, hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu ngành kinh tế. Thực hiện Chính phủ điện tử, hiện thực hóa cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, phấn đấu đến năm 2020, tất cả các dịch vụ công đều được cung cấp trực tiếp cấp độ 4, bãi bỏ sử dụng hồ sơ giấy trong thực hiện các thủ tục hành chính công và các bộ, ngành phải kết nối tất cả các thủ tục hành chính qua Cổng thông tin một cửa quốc gia…

Tham luận tại Hội nghị về việc cải cách môi trường kinh doanh tại địa phương, ông Trương Hòa Châu, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Tháp cho biết, chính quyền Tỉnh xác định việc tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi và tăng cường hỗ trợ, giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên. Việc tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi thông qua việc tập trung thực hiện các giải pháp cải thiện các Chỉ số thành phần PCI đạt được chưa cao qua từng năm. Trong đó, xây dựng kế hoạch phân công cụ thể, gắn trách nhiệm của từng ngành trong cải thiện từng chỉ số thành phần. Tỉnh đã tăng cường hỗ trợ, giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư thông qua hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp tìm hiểu, thực hiện đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử. Triển khai thử nghiệm thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp theo mô hình hẹn giờ hướng dẫn kê khai, tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại nhà, thông qua hệ thống Bưu chính công ích.

Cùng với đó, hỗ trợ về đào tạo năng lực quản lý, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ quản lý của doanh nghiệp và phát triển Mô hình “Cà phê Doanh nhân - Doanh nghiệp” từ cuối năm 2015 đến nay. Đây là sự tương tác chứ không chỉ là nơi để giải quyết sự vụ, sự việc, dù mục đích ban đầu là giải quyết những khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp gặp phải. Sự tương tác này đã mang lại một giá trị mới cao hơn, đó chính là tư duy thị trường mà người lãnh đạo đang thiếu. Bên cạnh đó, Tỉnh đã tạo lập và duy trì các kênh thông tin giao tiếp giữa chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp. Thành lập Trung tâm Hành chính công, Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp và Khởi nghiệp Tỉnh, Quỹ Bảo lãnh tín dụng doanh nhỏ và vừa và Hỗ trợ khởi nghiệp Tỉnh.

Với phương châm “đồng hành cùng doanh nghiệp”, Tỉnh Đồng Tháp đã điều chỉnh bổ sung quy trình thủ tục đầu tư trong và ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu theo hướng nhanh gọn, cụ thể các bước thực hiện, trách nhiệm của các cơ quan. Thời gian cấp Giấy chứng nhận đầu tư đối với các dự án trong Khu công nghiệp, Khu kinh tế giảm từ 15 ngày theo quy định xuống còn 09 ngày làm việc. Tỉnh thực hiện thay đổi từ nhận thức đến hành động trong bộ máy công quyền, từ “xin-cho” thành “đồng hành cùng doanh nghiệp”, từ “suy nghĩ cho doanh nghiệp” đến “suy nghĩ như doanh nghiệp” và từ “quản lý điều hành doanh nghiệp” đến “kiến tạo môi trường tốt nhất cho doanh nghiệp hoạt động”. Tỉnh Đồng Tháp cam kết sẽ tiếp tục đẩy nhanh quá trình cải cách hành chính nhằm tạo “con đường ngắn nhất” cho doanh nghiệp thực hiện thủ tục đầu tư - kinh doanh, tiếp tục điều chỉnh, cải tiến mối quan hệ hợp tác giữa chính quyền và doanh nghiệp để tạo ra một môi trường đầu tư tốt hơn nữa trong thời gian tới.

Tại Hội nghị, sau khi nghe đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ, giải pháp của các bộ, ngành về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh trong 4 năm qua, các đại biểu đã thảo luận về kết quả, kinh nghiệm cũng như những vấn đề còn tồn tại và tìm kiếm các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh năm 2018 và những năm tiếp theo.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư