CHƯƠNG TRÌNH AUSTRALIA HỖ TRỢ CẢI CÁCH KINH TẾ VIỆT NAM (Aus4Reform)

29/6/2018

Quốc gia số: Cơ hội cho Việt Nam

NDĐT - Trong buổi Hội thảo “Quốc gia số: Các đòn bẩy chính sách cho đầu tư và tăng trưởng”, diễn ra ngày 29-6, các đại biểu tham dự đã cùng nhau trao đổi, thảo luận những vấn đề liên quan đến nền kinh tế số và đề xuất kiến nghị chính sách cho Việt Nam.

Quốc gia số: Cơ hội cho Việt Nam

NDĐT - Trong buổi Hội thảo “Quốc gia số: Các đòn bẩy chính sách cho đầu tư và tăng trưởng”, diễn ra ngày 29-6, các đại biểu tham dự đã cùng nhau trao đổi, thảo luận những vấn đề liên quan đến nền kinh tế số và đề xuất kiến nghị chính sách cho Việt Nam.

 

Quang cảnh hội thảo.
Quang cảnh hội thảo.

Tại Việt Nam, khái niệm “nền kinh tế số” đã được đề cập nhiều trong thời gian gần đây. Với dân số gần 100 triệu người, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế số ở mức khá trong khu vực ASEAN. Ở nước ta đã xuất hiện xu hướng số hóa ở nhiều lĩnh vực, ngành kinh tế, từ thương mại, thanh toán cho đến giao thông, giáo dục, y tế…

Ngoài ra, thị trường thương mại điện tử cũng đang phát triển nhanh chóng và quy mô thị trường quảng cáo trực tuyến của Việt Nam cũng có xu hướng tăng. Tỷ lệ người dân sử dụng internet thông qua smartphone hiện lên đến hơn 60 triệu người. Điều này cho thấy, người Việt thuộc nhóm ưa thích công nghệ, ứng dụng các thành tựu công nghệ mới. Đây được coi là yếu tố rất quan trọng và là tiền đề để phát triển kinh tế số.

Sự phát triển của nền kinh tế số, công nghệ thông tin, internet đang tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp trong việc cung cấp dịch vụ số hóa cũng như doanh nghiệp sử dụng công nghệ để cung cấp các dịch vụ mới cho khách hàng.

Thực tế cho thấy, nền kinh tế ứng dụng của Việt Nam đang phát triển tốt, tuy nhiên vẫn cần có sự cải thiện ở các chỉ số liên quan đến vốn tài chính và nhân lực, cũng như việc phải xây dựng một cộng đồng số. Bên cạnh đó, khi nói đến các quy định về dịch vụ internet thì Việt Nam là một trong những nước có chính sách hạn chế nhất về các dịch vụ như mạng xã hội, trò chơi di động…

Theo Chuyên gia Kinh tế vi mô, Giám đốc Đối ngoại AlphaBeta Singapore, ông Konstantin Matthies, nền kinh tế số sẽ mang đến nhiều cơ hội to lớn đang được Việt Nam tận dụng. Rõ ràng, cơ hội để Việt Nam trở thành quốc gia số không nhỏ. Song, theo đánh giá, hiện, Việt Nam vẫn chưa thật sự chủ động thúc đẩy nền kinh tế số mà mới ở ngưỡng "tiếp nhận thụ động cách mạng công nghiệp 4.0", chưa giữ chân và khuyến khích công ty đa quốc gia, chưa thử nghiệm các phương thức tiếp cận mới để khuyến khích doanh nghiệp phát triển sản phẩm mới... Hiện, mức hiện diện vốn đầu tư mạo hiểm giai đoạn 2016-2017 của Việt Nam xếp hạng 10/11 nước theo Thẻ điểm quốc gia số của AlphaBeta, trong đó có các nước Singapore, Ấn Độ, Malaysia, Thái-lan...

Ông Konstantin Matthies, Chuyên gia kinh tế vi mô, Giám đốc Đối ngoại Công ty AlphaBeta đưa ra các thông điệp và bài học chính sách cho các nhà hoạch định.
Ông Konstantin Matthies, Chuyên gia kinh tế vi mô, Giám đốc Đối ngoại Công ty AlphaBeta đưa ra các thông điệp và bài học chính sách cho các nhà hoạch định.

Trong bối cảnh này, các yếu tố hỗ trợ cơ bản như thâm nhập internet vẫn là điều phải làm đối với mọi quốc gia trong kỷ nguyên số như hiện nay, có thể coi đó là nền tảng. Tuy nhiên, để cạnh tranh thật sự, tăng trưởng mạnh mẽ và trở nên thịnh vượng, mỗi quốc gia phải đi thêm một bước nữa. Đó là chuyển đổi từ trạng thái tiếp nhận thụ động sang chủ động phát triển nền kinh tế số của riêng mình.

Nền kinh tế số mang lại nhiều cơ hội lớn cho Việt Nam. Để trở thành một quốc gia số, Việt Nam cần nhận biết quan điểm của các bên liên quan về việc thực hiện những đòn bẩy chính sách khác nhau.

Ông Konstantin Matthies đưa ra bốn bài học chính sách có thể giúp Việt Nam trở thành quốc gia số, bao gồm: Áp dụng cách tiếp cận tập trung vào kỹ năng nhằm đào tạo nhân tài; tận dụng hiệu ứng lan tỏa của các công ty đa quốc gia; tiếp cận việc xây dựng một hệ thống thuế quan ổn định và bình đẳng; tránh những cạm bẫy trong quy định quản lý thương mại số.

Nền kinh tế số đang diễn ra trên quy mô toàn cầu vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội tốt để Việt Nam có thể tận dụng xử lý các vấn đề lớn trong phát triển đất nước và tái cơ cấu ngành Công thương, nhằm bắt kịp xu hướng phát triển của công nghiệp, thương mại; cải tiến mô hình sản xuất kinh doanh theo hướng tối ưu hóa nguồn lực đầu vào; đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững. Kinh tế số được dự đoán sẽ mang lại những ảnh hưởng và thay đổi đột phá trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Do vậy, để nắm bắt được cơ hội mà nền kinh tế số mang lại, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam phải cải thiện nhiều các chỉ số. Bên cạnh đó, phải chủ động thúc đẩy nền kinh tế số phát triển. Muốn vậy, cần dịch chuyển từ tư duy về nghề nghiệp sang tư duy về kỹ năng nhằm cải thiện sự linh hoạt của lực lượng lao động. Bên cạnh đó, cần tận dụng các công ty đa quốc gia như những nhà định hướng, giúp tăng cường đầu tư và vốn tài chính cho khởi nghiệp. Đặc biệt, phải bảo đảm tính thống nhất của các chính sách thuế, điều này được đánh giá quan trọng hơn mức thuế.

Quốc gia số được định nghĩa là một quốc gia, vùng lãnh thổ chủ động phát triển nền kinh tế số, khai thác được các lợi ích đáng kể cho người dân, doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng các tập đoàn kinh tế lớn, trái ngược với một quốc gia chỉ thụ động sử dụng hàng hóa và dịch vụ số. Một quốc gia số không chỉ thực hiện các biện pháp đơn thuần là đặt nền tảng cơ bản cho kinh tế số như cung cấp kết nối internet phổ cập hoặc dạy kỹ năng máy tính cho trẻ em ở trường học, mà còn làm nhiều hơn thế nữa. Quốc gia số đóng vai trò chủ động hỗ trợ sự phát triển của các startup kỹ thuật số và công ty số có quy mô trong nước.

Theo Nhân dân