CHƯƠNG TRÌNH AUSTRALIA HỖ TRỢ CẢI CÁCH KINH TẾ VIỆT NAM (Aus4Reform)

19/7/2018

THỜI SỰ VIỆT NAM 'Vá lỗ hổng' giám sát vốn nhà nước

Thanh tra, kiểm tra, giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước (DNNN) chưa hiệu quả dẫn đến nhiều DN làm ăn thua lỗ hàng chục nghìn tỷ đồng. Đã đến lúc cần phải quy trách nhiệm cá nhân khi được giao quản lý, giám sát tài sản nhà nước.

THỜI SỰ VIỆT NAM 'Vá lỗ hổng' giám sát vốn nhà nước

Thanh tra, kiểm tra, giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước (DNNN) chưa hiệu quả dẫn đến nhiều DN làm ăn thua lỗ hàng chục nghìn tỷ đồng. Đã đến lúc cần phải quy trách nhiệm cá nhân khi được giao quản lý, giám sát tài sản nhà nước.

Tại hội thảo đổi mới cơ chế giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu trong tiến trình cơ cấu lại DNNN sáng 19/7, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đặt vấn đề: Lâu nay, cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước được giao nhiệm vụ giám sát việc sử dụng vốn của DNNN nhưng thực tế tài sản nhà nước luôn trong tình trạng vô chủ, không được quan tâm, giám sát tốt, dẫn tới thất thoát, đầu tư thua lỗ kéo dài.

Hiệu quả giám sát thấp

Báo cáo về đổi mới cơ chế giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu trong tiến trình cơ cấu lại DNNN, ông Phạm Đức Trung, Trưởng Ban Phát triển và Cải cách DN (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương), cho biết trong giai đoạn 2011-2016, tỷ suất lợi nhuận của DNNN giảm (tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu (ROE) giảm 39%, tỷ suất lợi nhuận/tài sản (ROA) giảm 30%).

Báo cáo hợp nhất năm 2016 cho thấy 23/91 tập đoàn, tổng công ty, nhóm công ty mẹ-con lỗ lũy kế trên 17.000 tỷ đồng.

Đặc biệt, đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng, đến nay chưa thu hồi được và giá trị thực tế của nhiều dự án đang ở mức dưới giá trị đầu tư.

Nguyên nhân được ông Trung chỉ ra là hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước chưa hiệu quả, dẫn đến những vi phạm trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại DNNN.

Theo ông Trung, dù có nhiều quy định về thẩm quyền, chủ thể và đối tượng giám sát nhưng thiếu thống nhất về nội hàm, khái niệm và phạm vi hoạt động giám sát chủ sở hữu. Quy định hướng dẫn chi tiết về cách thức, công cụ thực hiện giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu chưa thực sự rõ ràng, dẫn tới những lúng túng trong tổ chức thực hiện, ảnh hưởng xấu tới hiệu quả giám sát.

Đặc biệt, khi thực hiện giám sát lại thiếu thông tin đầy đủ, có tính xác thực cao và cập nhật về tài sản nhà nước đầu tư. Hiện nay, DNNN vẫn báo cáo định kỳ (6 tháng, 1 năm) nên mức độ tương tác thường xuyên và kịp thời còn thấp, chưa đảm bảo yêu cầu "thường xuyên, liên tục" của hoạt động giám sát.

Trong khi đó, cơ quan chủ sở hữu còn mắc phải sai phạm trong thẩm định dự án đầu tư khi bỏ qua cảnh báo rủi ro. Theo Thanh tra Chính phủ, ngay từ giai đoạn thẩm định đã có một số cảnh báo rủi ro về tính khả thi, thiếu căn cứ về mức giá MobiFone mua 95% cổ phần của AVG, tuy nhiên tổ thẩm định của Bộ TT&TT vẫn phớt lờ.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan chia sẻ Việt Nam là nước đi sau nên có nhiều bài học thực tiễn tốt từ thế giới. Thời gian qua, có hàng nghìn hội thảo được tổ chức, hàng nghìn cán bộ của cơ quan nhà nước ra nước ngoài để học tập kinh nghiệm về quản lý, giám sát DNNN. Kinh phí của các chuyến đi, hội thảo trên được trích từ ngân sách nhà nước nhưng kết quả cuối cùng là hệ thống giám sát vẫn còn nhiều vấn đề.

"Phải chăng Việt Nam là học trò dốt, học biết bao thầy, bao kinh nghiệm tốt trên thế giới nhưng không thực hành được trên thực tiễn?", bà Lan nêu vấn đề.

Quan trọng nhất là tách bạch hai khái niệm sở hữu và giám sát
Quan trọng nhất là tách bạch hai khái niệm sở hữu và giám sát

Phải quy trách nhiệm cá nhân

Bà Lan cho rằng bản thân người đứng đầu DN, chủ sở hữu đều biết và giải quyết được các vấn đề tồn tại của DNNN hiện nay, nhưng quan trọng là họ không làm và không muốn làm vì liên quan đến lợi ích cá nhân.

"DNNN vẫn hoạt động theo kiểu lời ăn, lỗ thì Nhà nước chịu, rủi ro càng không phải vấn đề với chủ sở hữu DNNN. Chúng ta cứ nói cả hệ thống chính trị vào cuộc giám sát DNNN nhưng cũng chính vì thế nên chẳng ai giám sát và chịu trách nhiệm", bà Lan chia sẻ.

Khẳng định hiệu quả giám sát DNNN của Việt Nam rất thấp, Ts. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng quan trọng nhất là phải tách bạch hai khái niệm sở hữu và giám sát. Tránh tình trạng như hiện nay – cơ quan vừa sở hữu vốn nhà nước lại vừa giám sát dẫn tới trạng thái "tranh tối, tranh sáng" rồi "kiếm ăn".

Bên cạnh đó, dù cách dùng từ là "DNNN thuộc thành phần kinh tế chủ đạo" hiện vẫn xem DNNN là lực lượng kinh tế chủ đạo chính, nên các DN vẫn còn tư tưởng xin – cho, làm ăn thua lỗ lại xin tiền từ ngân sách nhà nước. Do vậy, muốn giám sát cần phải giám sát cả chi ngân sách nhà nước.

Hơn nữa, hiện nay vì quá đề cao vai trò tập thể mà coi nhẹ trách nhiệm cá nhân. Hệ thống chịu trách nhiệm tập thể che mờ trách nhiệm cá nhân thì rất khó giám sát tài sản nhà nước. Thực tế, nhiều tập đoàn, tổng công ty phạm luật không công khai thông tin mà không ai chịu trách nhiệm.

Theo chuyên gia Phạm Chi Lan, sắp tới cần tăng cường vai trò quyền thực chất của các cơ quan dân cử như Quốc hội, HĐND các cấp trong giám sát hoạt động DNNN. Bên cạnh đó, phải bảo đảm cơ quan báo chí, người dân có thể giám sát hoạt động DNNN thông qua việc công khai thông tin hoạt động kinh doanh của DNNN. Các tổ chức độc lập cũng được quyền thực hiện đánh giá hoạt động DNNN.

Ông Phạm Đức Trung kiến nghị thời gian tới, cần xây dựng "big data", hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin để vận hành chức năng đại diện chủ sở hữu. Dữ liệu thông tin phải trở thành nguồn lực quan trọng nhất để quản trị DNNN, giúp cho quyết định quản lý của Ủy ban quản lý vốn nhà nước và các cơ quan chủ sở hữu đúng đắn, nhanh, chất lượng và hiệu quả hơn.

Đặc biệt, thường xuyên, liên tục đánh giá rủi ro từ nợ của DNNN. Cũng như Ủy ban quản lý vốn nhà nước hoặc cơ quan chủ sở hữu có thể mời hoặc tham khảo ý kiến của Bộ liên quan nhưng phải chịu trách nhiệm toàn diện và cuối cùng về việc quản lý giám sát. Trước hết là hiệu quả, bảo toàn, gia tăng giá trị vốn nhà nước, sau đó làm rõ cơ chế xử lý trách nhiệm trong việc phê duyệt các trường hợp dự án, phương án thiếu hiệu quả gây thua lỗ.

Ông Trần Đình Thiên - Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

Hệ thống giám sát tốt phải định hình rõ chức năng nhà nước, cổ phần hóa DNNN càng sớm càng tốt. Cùng với đó, thiết kế hệ thống chịu trách nhiệm cá nhân cho rõ ràng đối với tài sản nhà nước được giao và vận hành.

Ông Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

Ủy ban quản lý vốn nhà nước đã được thành lập nhưng thẩm quyền phải rõ ràng, có "cây gậy" mạnh hơn để hoạt động. Đồng thời, muốn giám sát tài sản DNNN hiệu quả, phải giao chỉ tiêu, liên tục theo dõi xem có đạt được mục tiêu không, nếu không sẽ xử lý thế nào?

Bà Phạm Chi Lan - Chuyên gia kinh tế

Người chủ sở hữu sẽ rất có trách nhiệm khi họ sở hữu tài sản của mình. Ngược lại khi sở hữu tài sản chung, danh nghĩa là chủ nhưng thực tế không phải thì họ sẽ buông lơi. Vì thế, thời gian qua, tài sản nhà nước mới lâm vào cảnh "vô chủ" không được quan tâm, giám sát tốt. Trong khi đó, các cơ quan khi đánh giá DNNN vẫn thiên về thành tích, đóng góp, vai trò hơn là nói về khiếm khuyết, "căn bệnh" mà các DN mắc phải.

Theo Thời báo kinh doanh