CHƯƠNG TRÌNH AUSTRALIA HỖ TRỢ CẢI CÁCH KINH TẾ VIỆT NAM (Aus4Reform)

2/8/2018

VN phải chuyển hẳn sang kinh tế thị trường trong 5 năm tới

Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh: "Tối đa khoảng 5 năm nữa, chúng ta phải chuyển đổi, chuyển hẳn sang kinh tế thị trường".

VN phải chuyển hẳn sang kinh tế thị trường trong 5 năm tới

Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh: "Tối đa khoảng 5 năm nữa, chúng ta phải chuyển đổi, chuyển hẳn sang kinh tế thị trường".

 

 

Sáng nay (6/7), tại Hội thảo Cải cách độc quyền Nhà nước trong các ngành công nghiệp mạng lưới (công nghiệp kết nối như điện, đường sắt, hàng không, viễn thông...), TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ khẳng định, hiện, Việt Nam đang đẩy mạnh thị trường cạnh tranh, giảm độc quyền Nhà nước, độc quyền tự nhiên trong các ngành và lĩnh vực có tác động lớn đối với nền kinh tế như điện, cấp nước và đặc biệt là giao thông.

Tuy nhiên, dù đã có nhiều chính sách, quyết định song đến nay chúng ta vẫn chưa hoàn tất được chính sách cạnh tranh, loại bỏ độc quyền ở nhiều ngành then chốt. Điều này khiến cho thị trường méo mó, tính tự do cạnh tranh bị xâm hại khiến cho các động lực thay đổi không đạt được.

Theo ông Cung, 30 năm đổi mới đã qua đi, chúng ta vẫn mãi nói đến nền kinh tế đang chuyển đổi sang kinh tế thị trường. Cách nói "đang chuyển đổi" này chỉ biện minh cho sự yếu kém của mình, cho việc trì hoãn thực hiện hoặc cố tình không muốn thực hiện. Tối đa khoảng 5 năm nữa, chúng ta phải chấm dứt việc nói và làm này để chấm dứt chu kỳ đang chuyển đổi, chuyển hẳn sang kinh tế thị trường luôn.

“Thời gian qua, chúng ta vẫn hay nói doanh nghiệp Nhà nước là vật chất chủ yếu để tăng cường vai trò chủ đạo của Nhà nước về kinh tế. Tuy nhiên, ông thấy khái niệm này rất khó đánh giá, chúng ta không đánh giá được thì rất khó có hành động đúng. Những khái niệm chúng ta cần dứt khoát, rõ ràng A ra A, B ra B, nếu không rõ ràng thì phải thay đổi, nếu không những khái niệm này sẽ phát sinh và kìm hãm sự yếu kém của chúng ta trong quá trình phát triển", ông Cung nhấn mạnh.

 

Ngành đường sắt muốn phát triển, không nên độc quyền

Tại Hội thảo, các chuyên gia đều nhận đinh, hiện, ngành công nghiệp mạng lưới yếu kém nhất là đường sắt. Mặc dù được thừa hưởng nhiều tiềm lực, có hệ thống, có cơ sở vật chất và ưu tiên của Nhà nước song đến nay đây là ngành có năng lực yếu nhất, không xứng đáng trong chuỗi phát triển của Việt Nam chứ chưa so sánh với nước ngoài.

Mạng lưới đường sắt Việt Nam có tổng chiều dài 3.143km, trong đó 2.531 km tuyến chính, 612km đường ga và đường nhánh. Đường sắt có 3 loại khổ đường, khổ 1 mét chiếm 85%, khổi 1,435 mét chiếm 6%, và khổ đường lồng chiếm 9%.

Hiện, mạng lưới có 7 tuyến chính ở nội địa và 2 tuyến đường sắt quốc tế nối với Trung Quốc tại Đồng Đăng (Lạng Sơn) và Lào Cai. Hạ tầng đường sắt hiện tại có 259 ga đường sắt, 296 đầu máy, và 5.957 toa xe các loại, trong đó 1.010 toa xe khách, 4.947 toa xe hàng có thời gian sử dụng đã lâu.

Năm 2010, ngành đường sắt có 11,2 triệu khách đi tàu hỏa; năm 2017 con số này chỉ còn 9,5 triệu lượt. Hàng hóa vận tải của ngành đường sắt trong cùng giai đoạn này cũng giảm từ 7,8 triệu tấn xuống 5,55 triệu tấn.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, cựu Viện trưởng Viện CIEM, khẳng định ngành đường sắt đang lâm vào cuộc khủng hoảng rất lớn vì không thể cạnh tranh và thị phần đang ngày một giảm.

Còn theo bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế độc lập: Đối với đường sắt, đây là ngành không đáng để có vị trí xứng đáng như hiện nay. Ở nước ngoài đường sắt có vị trí cạnh tranh rất lớn đối với các phương thức vận tải khác khi nó có năng lực chuyên chở lớn về hàng hoá, người và phương tiện. Đường sắt ở các nước được thừa hưởng hệ thống cơ sở hạ tầng và cũng cạnh tranh sòng phẳng với các phương thức khác. Trong khi đường sắt yếu kém không cải tổ, thậm chí không muốn cải tổ bằng việc loại bỏ độc quyền thì chúng ta lại có đề xuất, chủ trương xây dựng đường sắt cao tốc như ở Nhật Bản (Shinkansen) trị với 56 tỷ USD".

Nguyễn Thị Luyến, Trưởng ban Thể chế kinh tế (Viện CIEM) cho biết, với vị thế độc quyền, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thiếu động lực nâng cao chất lượng, giảm giá thành, dẫn đến thị phần giảm. Trước đến nay, ngành đường sắt vẫn được coi là bộ phận quan trọng trong hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, nhưng hạ tầng đường sắt những năm qua khá biệt lập, lạc hậu và thiếu kết nối. Vì vậy, thị phần vận tải đường sắt giai đoạn 2010 - 2017 "giảm trông thấy" khi vận tải hành khách ngành đường sắt giảm từ 0,48% - 0,23% thị phần vận tải hành khách.

Điểm nổi bật của hạ tầng ngành đường sắt những năm qua là đầu tư nhỏ giọt, và tất cả các hạng mục như đầu máy, toa xe, khổ đường đều lạc hậu nhiều chục năm.

TS Nguyễn Thị Luyến kiến nghị, cần tiếp tục thực hiện tái cơ cấu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, thực hiện tách bạch rõ ràng giữa hạ tầng đường sắt và kinh doanh vận tải đường sắt.

Hội thảo khoa học “Cải cách độc quyền nhà nước trong các ngành công nghiệp mạng lưới” nằm trong khuôn khổ chương trình "Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam" (Chương trình Aus4Reform) do chính phủ Australia tài trợ nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, và đặc biệt là trong các ngành công nghiệp mạng lưới.

Mục đính của Aus4reform là hỗ trợ Chính phủ Việt Nam đạt được các mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh và chuyển dịch Việt Nam sang một nền kinh tế thị trường hơn. Mục tiêu cuối cùng là mang lại sự tăng trưởng kinh tế cao hơn, toàn diện hơn và có chất lượng tốt hơn ở Việt Nam.

Theo Kinh Tế Nông Thôn