CHƯƠNG TRÌNH AUSTRALIA HỖ TRỢ CẢI CÁCH KINH TẾ VIỆT NAM (Aus4Reform)

24/8/2020

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2020 khó đạt 2,1%

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2020 khó đạt 2,1%

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2020 khó đạt 2,1%

Trong tháng 7, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã đưa ra hai kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020 ở mức rất thận trọng (2-3%). Tuy nhiên, với diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 như hiện nay, ngay cả mức tăng trưởng 2,1% cũng là rất khó khăn.

Theo bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện quản lý kinh tế Trung ương, kiêm Giám đốc dự án Aus4Reform, CIEM đã công bố hai kịch bản, với kết quả dự báo GDP tương ứng là 2,1% và 2,6% tại buổi công bố báo cáo Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm với sự tài trợ của Dự án Aus4Reform. Trong các dự báo về kịch bản tăng trưởng GDP năm 2020 của một số tổ chức, đơn vị đã công bố trong khoảng đầu tháng 7, thì các kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam của CIEM được đánh giá là thân trong và có phần kém lạc quan nhất. Tuy nhiên, đến giờ thì có thể thấy báo cáo của CIEM dự báo “sát" nhất.

Báo cáo của CIEM cũng nhấn mạnh số đợt dịch là một trong những yếu tố có thể ảnh hưởng đến triển vọng kinh tế 2020. Việc cập nhật dự báo khó có thể hiệu quả trước thời điểm cuối tháng 8 – khi có thêm số liệu về diễn biến của nền kinh tế. Cá nhân bà cho rằng, với diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 như hiện nay, ngay cả mức tăng trưởng 2,1% cũng là rất khó khăn.

Ngoài chịu tác động nặng nề của đại dịch, nền kinh tế Việt Nam trong các tháng cuối năm 2020 có thể phải đối mặt với một số khó khăn. Thứ nhất, kinh tế thế giới còn rất bất định. Dù các đánh giá đều thống nhất về khả năng suy thoái của kinh tế thế giới trong nửa cuối năm 2020, nhìn nhận về mức độ nghiêm trọng của suy thoái lại khá khác biệt (cả về thời điểm kết thúc dịch, kịch bản phục hồi, số “làn sóng dịch”, hiệu lực của các gói hỗ trợ ở nhiều nền kinh tế,….). Thứ hai, việc nhiều nền kinh tế thực hiện các gói hỗ trợ quy mô lớn, trong khi thiếu điều phối giữa các biện pháp này ở cấp độ toàn cầu, có thể gây ra những rủi ro không nhỏ đối với thị trường tài chính thế giới và tình trạng nợ toàn cầu. Thứ ba, căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn có thể diễn biến phức tạp hơn, đặc biệt là trong quý III và nửa đầu quý IV. Thứ tư, dù kỳ vọng nhiều vào tác động tích cực của EVFTA, Việt Nam có thể phải đối mặt với nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại, điều tra chống lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ, v.., không chỉ ở thị trường Mỹ. Thứ năm, nếu các doanh nghiệp chậm thích ứng với thị trường trong nước, thì hoạt động sản xuất và tiêu thụ có thể bị ảnh hưởng đáng kể trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Khi chia sẻ về những giải pháp để giữ tăng trưởng dương trong năm 2020 theo yêu cầu của Chính phủ, bà Minh cho hay, cách tiếp cận chính sách của Chính phủ đối với đại dịch COVID-19 hiện nay đã khá bài bản và toàn diện. Tuy vậy, vẫn còn tồn tại một số vấn đề cần chú trọng trong bối cảnh hiện nay. Thứ nhất, các nguồn lực mà chúng ta đang có cần phải được khơi thông và sử dụng một cách hiệu quả nhất, đặc biệt là nguồn lực từ đầu tư công. Ngay cả trong những năm trước đây, việc tận dụng tối đa các nguồn lực này đã là một vấn đề cấp thiết. Trong bối cảnh đại dịch, đầu tư công càng phải phát huy được vai trò là một “cứu cánh” quan trọng, nếu không nói là chủ đạo, cho tăng trưởng kinh tế. Do đó, yêu cầu giải ngân vốn đầu tư công cần phải được thực hiện nhanh hơn, quyết liệt hơn và hiệu quả hơn.

Thứ hai, song song với việc đẩy mạnh sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư trong nước, cần tiếp tục quan tâm, thúc đẩy gia tăng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nhất là nắm bắt cơ hội đón “làn sóng” dịch chuyển vốn đầu tư từ Trung Quốc do tác động của dịch Covid- 19. Đẩy mạnh thu hút vốn FDI không có nghĩa là chúng ta thu hút tràn lan, mà cần định hướng thu hút dòng vốn FDI một cách có chọn lọc, nhất là chú trọng thu hút dòng vốn FDI có công nghệ cao, công nghệ nguồn, công nghệ tiên tiến theo xu thế Cách mạng Công nghiệp 4.0... Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần tận dụng tốt các cơ hội mở ra từ hội nhập, trong đó có Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (thực thi từ 1/8).

Cần tiếp tục quan tâm, thúc đẩy gia tăng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)
Cần tiếp tục quan tâm, thúc đẩy gia tăng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)

Thứ ba, các biện pháp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân đã ban hành trong thời gian qua cần phải được tiếp tục triển khai một cách hiệu quả, trên cơ sở tham vấn và tạo điều kiện tiếp cận nhanh nhất cho doanh nghiệp, người dân. Chính phủ cũng cần xem xét, tính toán đến các biện pháp hỗ trợ dài hơn cho doanh nghiệp, người dân trong tình hình mới, chẳng hạn như thông qua đề xuất miễn giảm một số loại thuế, phí,

Những yêu cầu trên là không mới, song việc thực hiện hiệu quả trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đòi hỏi phải nâng cao năng lực phân tích, dự báo kinh tế của các cơ quan chức năng, cơ quan hoạch định chính sách. Cần lưu ý, diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 thời gian qua khiến các dự báo, đánh giá về triển vọng kinh tế sớm trở nên lạc hậu và phải cập nhật liên tục. Chính ở đây, cải thiện năng lực phân tích, dự báo sẽ giúp chúng ta chủ động, kịp thời đưa ra các phương án, chính sách ứng phó hiệu quả, để từ đó có thể giảm thiểu tổn thất kinh tế do đại dịch.

Với vai trò Giám đốc dự án Aus4Reform, bà Minh nhấn mạnh, chia sẻ kinh nghiệm duy trì cải cách trong bối cảnh đại dịch chính là hoạt động cần thiết để bảo đảm quá trình cải cách không bị ngắt quãng ngay cả khi Chính phủ ưu tiên phòng chống dịch. Trên phương diện này, cá nhân bà cho rằng những đóng góp của chương trình Aus4Reform thực sự nổi bật, chương trình luôn hỗ trợ Việt Nam thông qua các nghiên cứu, phân tích và khuyến nghị chính sách ở tầm quốc tế.